Chưa phát huy tiềm năng
![]() |
Thực tế, mỗi khi nhắc tới vùng Tây Bắc, Đông Bắc, những người làm du lịch và du khách mới chỉ nghĩ đến các di tích lịch sử, địa danh nổi tiếng, như Điện Biên Phủ (Điện Biên), Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình), cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), hồ Ba Bể (Bắc Kạn)... Đây là các tuyến, điểm khá phổ biến, song rất khó kéo du khách trở lại.
Trong khi đó, vùng Tây Bắc còn có điểm mạnh như những con sông như sông Đà, sông Gâm, sông Năng… uốn lượn quanh những dãy núi kỳ vĩ, những cánh rừng nguyên sinh đan xen, tạo nên bức tranh thủy mặc khổng lồ. Ở các khu vực này còn có nhiều hồ lớn, với cảnh sắc tuyệt đẹp, như hồ Thác Bà (Yên Bái), một trong ba hồ nước nhân tạo rộng nhất Việt Nam; hồ Ba Bể (Bắc Kạn) từng được trang web MSN bình chọn là một trong 16 hồ đẹp nhất thế giới; hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), hồ Pá Khoang (Điện Biên), hồ Na Hang (Tuyên Quang), thác Bản Giốc (Cao Bằng)… Bên cạnh cảnh quan đẹp, xung quanh các hồ còn có những bản làng dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan... với văn hóa đặc sắc…
Hệ thống sông, hồ và cảnh quan tuyệt đẹp được coi là điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh du lịch đường thủy. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch tại các địa phương ở khu vực này chưa đồng đều. Đến nay hầu như các tour du lịch đường sông còn manh mún, nhỏ lẻ, phát triển chưa xứng với tiềm năng; nhiều phương tiện, bến thuyền chưa đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, nguồn nhân lực chưa qua đào tạo… Đặc biệt, hệ thống giao thông, phương tiện phục vụ khách hiện nay còn rất khó khăn, hồ Hòa Bình có nhiều nhất, khoảng 200 tàu, thuyền phục vụ khách du lịch, nhưng chỉ 70 tàu đăng kiểm, còn lại trên 100 tàu chưa đủ điều kiện đón khách. Việc di chuyển trên hồ Sơn La và hồ Lai Châu rất hạn chế vì chưa có nhiều tàu, thuyền phục vụ khách.
Khai thác theo lộ trình
Mục tiêu phát triển du lịch vùng Tây Bắc là đưa khu vực này trở thành vùng du lịch đặc trưng, là điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu với những giá trị trải nghiệm đặc sắc về văn hóa, lịch sử và sinh thái. Du lịch Tây Bắc phải đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Phấn đấu đến năm 2020 vùng Tây Bắc đón 2,3 triệu lượt khách quốc tế, 14 triệu lượt khách nội địa, với 1.900 cơ sở lưu trú và 40.000 buồng lưu trú; tổng thu du lịch đạt 22.000 tỷ đồng… |
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho rằng, trên thế giới du lịch đường thủy đang phát triển khá sôi động. Ở Việt Nam cũng có nhiều địa phương và khu vực triển khai tốt hoạt động này như: Đồng bằng sông Cửu Long, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... Các tỉnh ở phía Bắc có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch độc đáo này song chưa phát huy hết tiềm năng.
Thực tế, thời gian gần đây các tỉnh cũng đã có sự chủ động, nỗ lực trong việc định hướng hợp tác phát triển du lịch đường thủy. Tuy nhiên, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch cho rằng, để khai thác tiềm năng một sản phẩm du lịch, trước hết cần tính đến khả năng quản lý của ngành, địa phương; khả năng xây dựng, phát triển và tạo ra sản phẩm có sức thu hút, và bán được. Hiện nay nhiều địa phương vẫn khá lúng túng trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và quanh quẩn theo lối mòn, thiếu sản phẩm đặc trưng. Bên cạnh đó, các địa phương cần tính đến các dịch vụ đi kèm đã sẵn sàng đón khách hiệu quả hay chưa; làm thế nào để khách hài lòng, ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn… Có như vậy, mới không lãng phí tiềm năng và phát triển bền vững.
![]() |
Để việc phát triển tuyến du lịch đường thủy kết nối các tỉnh Tây Bắc sớm được triển khai và đạt hiệu quả lâu dài, ông Nguyễn Quý Phương cũng cho rằng việc khai thác này cần có ưu tiên nhất định, trong giai đoạn nhất định. Đơn cử tại các tỉnh Tây Bắc cần tiếp tục khảo sát kỹ lưỡng hơn để có đánh giá cụ thể, như lựa chọn sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương, tránh trùng lặp trên cả hành trình. Do tính đặc thù của du lịch đường sông, nên cần lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện các hoạt động du lịch; nghiên cứu, xác định rõ thị trường phù hợp để có kế hoạch quảng bá, xúc tiến. Các địa phương cũng cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng bến bãi và phương tiện thủy, đặc biệt là chú trọng các chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Quý Phương nhấn mạnh, cần tính toán cụ thể, tập trung khai thác sản phẩm nào, giai đoạn nào hiệu quả nhất và tạo bước phát triển nhanh nhất. Không nên và cũng không thể tìm mọi cách khai thác tất cả tiềm năng cùng lúc.