Thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm và bài bản
- Sau nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, những kết quả đáng chú ý ghi nhận từ đợt giám sát này là gì, thưa ông?
- Mặc dù trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19, nhưng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, nỗ lực của toàn ngành giáo dục, Nghị quyết số 88 của Quốc hội đã được thực hiện hết sức nghiêm túc, trách nhiệm và bài bản. Lần đầu tiên, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một chương trình giáo dục phổ thông dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn, có quá trình chuẩn bị lâu dài và huy động được lượng lớn chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo tham gia. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 qua quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng như thế, tuy chậm tiến độ nhưng về cơ bản đã nhận được đánh giá tích cực từ phía giáo viên cũng như học sinh.
Nghiên cứu, đánh giá từ nhiều góc nhìn
“Giáo dục là vấn đề rất quan trọng, nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội, nhưng cũng là vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Chính vì vậy, Đoàn giám sát đã nghiên cứu, đánh giá từ nhiều góc nhìn khác nhau về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa mới cũng như việc tổ chức thực hiện.
Ngoài báo cáo của Chính phủ, các bộ, 63/63 UBND tỉnh, thành phố, 63/63 Đoàn đại biểu Quốc hội, 48/63 HĐND tỉnh, thành phố gửi báo cáo kết quả giám sát cho Đoàn. Đoàn giám sát đã xây dựng 13 báo cáo chuyên đề, trong đó 3 chuyên đề nhánh: (i) Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn 1 bộ sách giáo khoa; (ii) Giá sách giáo khoa, chi phí phát hành sách giáo khoa; (iii) Việc lựa chọn sách giáo khoa được xây dựng theo ý kiến của cử tri, Nhân dân và chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội; tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà giáo dục...
Đoàn giám sát cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức khảo sát, điều tra xã hội học và đánh giá dư luận xã hội; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến Nhân dân, cử tri; Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp kiến nghị, ý kiến của cử tri; Viện Nghiên cứu lập pháp tổng hợp kinh nghiệm quốc tế; Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổng hợp phản ánh của báo chí… Với lượng thông tin khổng lồ như vậy, Đoàn giám sát cố gắng tổng hợp một cách đầy đủ, chân thực và khách quan nhất trong Báo cáo kết quả giám sát”.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục NGUYỄN ĐẮC VINH
Chúng tôi thấy rằng, kết quả quan trọng đầu tiên là Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới cơ bản đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Thứ hai, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Thứ ba, Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được triển khai đồng loạt trên phạm vi cả nước và bước đầu, tuy có một số khó khăn, thách thức, nhưng tương đối suôn sẻ.
Tinh thần vào cuộc từ sớm từ xa
- Có ý kiến cho rằng, nếu đợi hết chu trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa (hết năm học 2024 - 2025) thì đánh giá sẽ toàn diện hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Nghị quyết 88 của Quốc hội đã được thực hiện gần 10 năm. Đây là khoảng thời gian đủ dài để chúng ta xem xét chủ trương quan trọng này đã được tổ chức triển khai như thế nào. Cũng đã có một số công việc quan trọng được thực hiện, như việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới - nền tảng để triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.
Chúng tôi nghĩ rằng việc tổ chức giám sát không chỉ đánh giá kết quả thực hiện chủ trương của Quốc hội, mà điều quan trọng là thúc đẩy việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội chất lượng và hiệu quả hơn. Đây là tinh thần được Quốc hội Khóa XV nhấn mạnh, vào cuộc từ sớm từ xa để các chủ trương quan trọng của đất nước đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, tích cực.
Qua giám sát, chúng tôi ghi nhận được nhiều mặt tích cực, đồng thời cũng phát hiện những khó khăn, vướng mắc, thậm chí cả tồn tại, hạn chế. Nhiều lãnh đạo của các bộ liên quan đã tham gia các cuộc làm việc của Đoàn giám sát với bộ, ngành, địa phương, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế có thể sửa được ngay thì đã chủ động tiếp thu và rà soát, bổ sung, sửa đổi văn bản chỉ đạo cũng như kịp thời tháo gỡ. Một số nội dung còn có ý kiến khác nhau hoặc có tính phức tạp, nhạy cảm cao, các bên liên quan tập trung nghiên cứu, thảo luận thật kỹ để có giải pháp khả thi nhất và tốt nhất.
Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo trong biên soạn sách giáo khoa
- Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị, trong đó được quan tâm nhất hiện nay là việc biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước. Tại sao có kiến nghị này, thưa ông?
- Chúng ta phải khẳng định rằng, xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng. Tuy nhiên, giáo dục là quốc sách hàng đầu, là lĩnh vực ảnh hưởng sâu rộng đến thế hệ trẻ, rộng hơn là cả xã hội. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là khuyến khích xã hội hóa giáo dục nhưng cần giữ được vai trò chủ đạo của Nhà nước trong lĩnh vực này. Với các bộ sách giáo khoa cũng vậy, Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo trong tổ chức biên soạn nội dung, tiến hành xã hội hóa một cách phù hợp; những việc gì các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt thì mạnh dạn giao.
Qua giám sát cho thấy, việc không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa của Nhà nước mà hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa đã làm mất vai trò chủ đạo của Nhà nước, ảnh hướng lớn tới trách nhiệm của Nhà nước trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, đây là cũng vấn đề có tác động lớn tới xã hội, khi đã có tới 381 đầu sách giáo khoa mới và hàng trăm triệu bản sách giáo khoa mới được xuất bản. Vì vậy, việc cung ứng, phát hành sách giáo khoa do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, vừa bảo đảm thực hiện đầy đủ các chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa tiếp tục khuyến khích hiệu quả hơn sự tham gia của các lực lượng xã hội.
Vì thế, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa. Việc in, phát hành, cung ứng sách giáo khoa thực hiện theo cơ chế xã hội hóa. Nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản sách giáo khoa do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả; cơ chế xã hội hóa in, phát hành sách giáo khoa do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả. Quản lý chặt chẽ giá, chi phí phát hành sách giáo khoa. Đây là biện pháp hiệu quả để giúp bảo đảm tối đa chất lượng nội dung sách giáo khoa; bảo đảm quyền lợi của người dân, nhất là các đối tượng yếu thế được tiếp cận với bộ sách giáo khoa chất lượng, giá thành hợp lý.
Các kiến nghị, đề xuất của Đoàn giám sát trên cơ sở lắng nghe đa số từ thực tiễn, nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng, thận trọng, hướng đến mục tiêu cuối cùng là để Nghị quyết số 88/2014/QH13 được triển khai một cách hiệu quả nhất, giúp cho giáo dục phổ thông tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.
- Xin cảm ơn ông!
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương chủ trì biên soạn 1 bộ sách giáo khoa
Qua theo dõi việc tổ chức triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, là người được giao chủ trì thẩm tra Nghị quyết số 88/2014/QH13, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Khóa XIII Trịnh Ngọc Thạch lấy làm tiếc khi thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo không chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa.
Nghị quyết số 88/2014/QH13 quy định: Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học; khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa. Nhưng Nghị quyết số 88 cũng quy định: Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.
Rất tiếc thời gian qua chúng ta không thực hiện nhiệm vụ này, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo không chủ trì biên soạn một bộ sách mà dựa vào các tổ chức và cá nhân, tức là thực hiện tuyệt đối vai trò của xã hội. Điều này có một số ưu điểm là sách giáo khoa phong phú hơn, hay hơn và có nhiều lựa chọn cho học sinh và các nhà trường.
Tuy vậy, có hai vấn đề đặt ra: tính chủ động để sử dụng sách giáo khoa và quan trọng là vai trò của Nhà nước (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì huy động các nhà khoa học để biên soạn sách giáo khoa phục vụ người dân và dùng ngân sách nhà nước để biên soạn sách giáo khoa, thì trong những trường hợp nhất định Nhà nước có thể chủ động điều tiết giá, khi giá sách giáo khoa tăng lên, Nhà nước có thể bù lỗ để người dân được dùng sách giáo khoa với giá thấp.
Vừa qua có câu chuyện dậy sóng là sách giáo khoa tăng giá quá nhiều. Các tổ chức, cá nhân thi nhau in đẹp, nhiều loại sách giáo khoa, tăng giá sách, người dân rất khó có khả năng lựa chọn, đặc biệt người dân những vùng khó khăn, người nghèo. Nhà nước không can thiệp được, bởi đó là sách do tư nhân làm, phải theo điều tiết của thị trường.
Như vậy, tự nhiên chúng ta đánh mất vai trò của Nhà nước. Trong khi Hiến pháp và Luật Giáo dục đều ghi rõ Nhà nước chăm lo cho giáo dục, và ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Theo tôi, cần đánh giá hết sức nghiêm túc vấn đề này. Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương thực hiện đúng Nghị quyết 88 là chủ trì biên soạn 1 bộ sách giáo khoa, huy động các nguồn lực, các nhà giáo tham gia, đáp ứng nhu cầu sử dụng sách giáo khoa của tất cả các tầng lớp nhân dân một cách bình đẳng.
PV lược ghi