Báo cáo tóm tắt ý kiến của cơ quan thường trực hội đồng thẩm định cho thấy, hội đồng thẩm định đánh giá cao Đề án Quy hoạch tỉnh.
Theo đó, tên, thời kỳ quy hoạch cơ bản phù hợp với nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nội dung quy hoạch cơ bản đáp ứng được yêu cầu đã xác định trong nhiệm vụ lập quy hoạch được Thủ tướng; thành phần, số lượng, tiêu chuẩn và quy cách hồ sơ quy hoạch đáp ứng các yêu cầu quy định theo nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hội đồng thẩm định cũng đề nghị chuẩn xác lại diện tích tự nhiên của tỉnh và phạm vi lập quy hoạch vùng không gian biển ven bờ. Bổ sung một số nội dung trong quy trình lập Quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch, gồm việc triển khai, phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc đề xuất nội dung đưa vào quy hoạch; việc xem xét, xử lý các vấn đề liên ngành, liên huyện; tổ chức lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đồng thời với quá trình lập Quy hoạch tỉnh.
Hội đồng thẩm định cho rằng, cơ quan lập quy hoạch tỉnh cần xác định rõ lợi thế, các yếu tố mang tính đặc thù của tỉnh; tác động thúc đẩy, cản trở của các yếu tố, điều kiện tự nhiên đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; rà soát, bổ sung một số điểm mạnh, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội; bổ sung một số chỉ tiêu phù hợp... Về tầm nhìn đến năm 2050, bổ sung một số chỉ tiêu khái quát đến năm 2050, như tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2031-2050; GRDP bình quân đầu người, chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa; chỉ số phát triển con người…
Liên quan đến công tác tổ chức lập quy hoạch, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu khẳng định, Quy hoạch tỉnh có tầm quan trọng đặc biệt, là quy hoạch có tính chất bản lề, sau khi quy hoạch được phê duyệt sẽ tạo ra khung pháp lý cao nhất, hành lang vững chắc cho sự phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của tỉn. Đây là cơ sở, tiền đề để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian phát triển mới; từng bước giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho biết, tỉnh đã bám sát các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển của Quy hoạch tổng thể Quốc gia; các quy hoạch ngành Quốc gia, Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đặc biệt là Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để lập quy hoạch đảm bảo việc tích hợp các quy hoạch có liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, để sớm đạt mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh đã tập trung xây dựng các chương trình, đề án, ưu tiên đầu tư cho mạng lưới hạ tầng quy mô lớn (cảng hàng không, cảng biển Chân Mây, đường ven biển,…) mang tính liên huyện, liên tỉnh, kết nối các hành lang kinh tế, mạng lưới giao thông vùng, khu vực, quốc tế.
Cùng với đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh để xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát huy lợi thế đô thị ven biển; gắn với vị thế 4 trung tâm của vùng và cả nước.