Để kết nối hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp FDI với các cơ sở giáo dục đại học, phục vụ nhu cầu ngày càng tăng về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp FDI nói riêng, sáng 22.5, Bộ GD-ĐT tổ chức Diễn đàn thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo giữa doanh nghiệp FDI với các cơ sở giáo dục đại học.
Diễn đàn này là một trong số các hoạt động mà Chính phủ đã giao cho Bộ GD-ĐT thực hiện thường niên theo Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 28.3.2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục đại học của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.
“Các cơ sở giáo dục đại học dần trở thành các trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ, chuyển giao, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống” - Thứ trưởng nhận định.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục đại học cũng tích cực thực hiện liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội, coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Hiện nay có 243 cơ sở giáo dục đại học với trên 2,2 triệu sinh viên đã đáp ứng phần nào nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng.
Mặc dù đạt được một số thành tựu nhất định, song theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong nghiên cứu và đào tạo để có thể đáp ứng kịp thời và đầy đủ các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đặc biệt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng cho thị trường lao động.
Tính đến 31.3.2022, trong hơn 51,2 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, tỷ lệ dân số có chuyên môn kỹ thuật chỉ đạt 26,1% và tỷ lệ dân số có trình độ đại học là 11,1%.
“Nguồn cung nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI được nhận định sẽ tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới”- Thứ trưởng nhận định.
Bên cạnh các dự án FDI hiện đang hoạt động, khoảng hơn 3.100 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm 2023 sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn trong việc sử dụng lao động.
Vì vậy, Thứ trưởng cho rằng, các doanh nghiệp FDI cần liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam trong tìm kiếm nguồn nhân lực và các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam cần coi đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho sự phát triển của mình.
Tại diễn đàn này, Thứ trưởng mong muốn, các đại biểu, tổ chức, cá nhân, đại diện các doanh nghiệp FDI, cơ sở giáo dục đại học chia sẻ kinh nghiệm hợp tác; trao đổi, đề xuất, hiến kế tháo gỡ khó khăn giúp cho giáo dục đại học Việt Nam phát triển đúng với tiềm năng, hoàn thành sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần quan trọng vào việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Đại diện các cơ sở giáo dục đại học và đại diện một số trung tâm đào tạo nhân lực quốc tế cũng đã trình bày báo cáo về việc hợp tác đại học và doanh nghiệp trong chia sẻ tri thức, nghiên cứu - chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng như nêu các kinh nghiệm tốt nhất về mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học trong nghiên cứu và đào tạo.