Tại phiên họp tổ sáng 16.1, các đại biểu Quốc hội tổ 11 (gồm Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng và các tỉnh Tuyên Quang, Tây Ninh, Sơn La) đề nghị cần làm rõ tiêu chí lựa chọn huyện thực hiện thí điểm, điều kiện và thời gian để thực hiện cơ chế này. Đại biểu Chá A Của cho rằng cần phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để giúp cho các địa phương chúng ta tập trung triển khai thực hiện tốt các nguồn lực.
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) cho rằng, trong năm 2024-2025 chỉ nên chủ yếu tập trung ở cấp tỉnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, còn việc thí điểm ở cấp huyện nên chuyển sang giai đoạn sau khi cấp tỉnh đã thực hiện suôn sẻ, vượt qua được những khó khăn, vướng mắc thì hợp lý hơn.
Theo đại biểu, việc phân cấp, phân quyền cho cấp tỉnh theo hướng Chính phủ đưa ra các chỉ tiêu, mục tiêu, nguyên tắc để đảm bảo các địa phương tổ chức, thực hiện một cách thống nhất, giúp các địa phương chủ động trong việc cơ cấu phân bổ trong nội bộ của chương trình mục tiêu quốc gia. Lớn hơn, HĐND cấp tỉnh được quyền phân bổ các dự án thành phần, cơ cấu lại các dự án thành phần, nguồn lực trong các dự án thành phần của một chương trình mục tiêu quốc gia và giữa các chương trình mục tiêu quốc gia.
"Việc kiểm tra, giám sát đầu ra, kết quả thực hiện các chương trình này là thuộc về các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ. Còn thực hiện như thế nào thì phân cấp mạnh mẽ cho cấp tỉnh. Nếu không thể thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025thì đây cũng là cơ chế mới mở ra trong giai đoạn 2026 - 2030", đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy nhấn mạnh.
Cũng về nội dung về phân cấp, phân quyền, ĐBQH Nguyễn Đắc Vinh (Tuyên Quang) cho rằng, gắn với phân quyền là việc chia ra từng mức ở từng cấp. Bản chất là đánh giá việc phân cấp, phân quyền vẫn bảo đảm hiệu quả công việc, giúp việc triển khai linh hoạt, nhanh hơn, thủ tục đơn giản hơn nhưng vẫn theo đúng tinh thần của chương trình mục tiêu Quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh băn khoăn về năng lực thực hiện các chương trình của cấp huyện khi được phân quyền, họ tổ chức thực hiện như thế nào? Theo đại biểu, những nơi đủ năng lực, đủđiều kiện thực hiện những nội dung theo chương trình mục tiêu quốc gia thì chúng ta lựa chọn.
"Chọn tối đa một huyện tại một tỉnh, việc lựa chọn này đã thể hiện tính chất thí điểm rồi. Đã thí điểm thì phải có thời hạn nhất định và có đánh giá để xem lại, đánh giá là xem tiếp tục thực hiện không hoặc là có nhân rộng ra không" - đại biểu lưu ý.
Đại biểu cho rằng việc thí điểm nên thực hiện trong 2 năm 2024-2025, từ đó có thể nhìn nhận, đánh giá là đầy đủ trong việc thực hiện, thuận lợi, khó khăn... Trên cơ sở đánh giá tổng thể đó mới quyết định có tiếp tục thực hiện hay không, có mở rộng hay không.