Tham gia Đoàn có: Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân; đại diện Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang và lãnh đạo các sở, ngành có liên quan của tỉnh.
Liên quan đến hoạt động của Bến xe khách tỉnh Kiên Giang, đại diện lãnh đạo Xí nghiệp Bến xe - tàu Kiên Giang cho biết, bến xe được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2013, đạt tiêu chuẩn bến xe loại 1, hiện có 37 doanh nghiệp và một hợp tác xã đăng ký kinh doanh vận tải với 26 tuyến liên tỉnh, 2 tuyến nội tỉnh với 160 phương tiện. Mỗi ngày bến xe phục vụ khoảng 3.000 lượt khách.
Tất các các phương tiện xuất bến phải bảo đảm các quy định về an toàn giao thông; nhân viên điều hành kiểm tra thẻ nhân viên lái xe, bằng lái xe, đặc biệt không cho xe xuất bến khi phát hiện tài xế sử dụng rượu bia và chất kích thích khác.
Đối với Cảng thủy nội địa Rạch Giá, đại diện lãnh đạo Xí nghiệp Bến xe - tàu Kiên Giang cho biết, Cảng có diện tích khoảng 10.000m2, vùng nước khai thác phía Sông Kiên có chiều dài 75m, rộng 30m. Cảng có khu đỗ xe ô tô, taxi, nhà hành khách với hơn 3.500m2. Hệ thống cầu cảng và vùng nước cho tàu neo đậu khoảng 8.000m2. Hiện Cảng thủy nội địa đạt tiêu chuẩn cảng hành khách loại 1.
Cảng thủy nội địa Rạch Giá có chức năng đón, trả khách, hàng hóa, phương tiện đi từ bờ ra các đảo (Hòn Tre, Lại Sơn, Nam Du thuộc huyện Kiên Hải, đảo Phú Quốc, thuộc TP. Phú Quốc). Mỗi ngày có 32 lượt phương tiện hoạt động, phục vụ từ 2.000 - 3.000 hành khách/ngày, những dịp lễ, tết tăng lên từ 6.000 - 8.000 hành khách/ngày.
Hiện Cảng vụ đường thủy nội địa Kiên Giang và Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang phối hợp với lực lượng công an, bộ đội biên phòng cùng quản lý. Từ khi Bến thủy nội địa hoạt động đến nay chưa xảy ra vụ tai nạn nào.
Lãnh đạo Xí nghiệp Bến xe - tàu Kiên Giang cũng cho biết, ngoài những quy định chung về hoạt động bến xe, tàu, đơn vị luôn quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống khủng bố; thường xuyên tuyên truyền đến viên chức, người lao động các đơn vị và doanh nghiệp vận tải đang hoạt động tại bến xe, tàu Kiên Giang.
Đánh giá cao công tác tổ chức, quản lý vận hành bến xe khách tỉnh Kiên Giang và Cảng thủy nội địa, Đoàn giám sát ghi nhận, cả hai đơn vị đều bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, có trang bị phòng cháy, chữa cháy, bàn cung cấp thông tin, máy đo nồng độ cồn…; tuy nhiên, nhân sự quản lý cần bố trí đầy đủ, chuyên nghiệp hơn.
Nhiều thành viên trong Đoàn bày tỏ băn khoăn khi Cảng thủy nội địa Rạch Giá là cảng hàng hải hay bến thủy nội địa? Khi vận hành có chồng chéo hay vướng mắc gì không khi có nhiều đơn vị đang quản lý?
Đối với Bến xe khách Kiên Giang, Đoàn giám sát yêu cầu các đơn vị báo cáo về công tác quản lý, phối hợp giữa các đơn vị vận hành bến xe như thế nào để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông cho người dân; làm rõ việc thực hiện giám sát hành trình giữa các đơn vị vận tải, lái xe với các cơ quan có thẩm quyền cũng như công tác kiểm tra tài xế sử dụng chất kích thích và khi có tai nạn xảy ra liên quan đến tài xế sử dụng chất kích thích thì đơn vị nào chịu trách nhiệm? Việc xã hội hóa thực hiện ở bến xe có gì vướng mắc?
Trước những gợi mở và vấn đề Đoàn giám sát nêu tại cuộc làm việc, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kiên Giang Lê Việt Bắc nêu rõ, căn cứ vào các quy định hiện hành, Cảng thủy nội địa Rạch Giá là bến thủy nội địa có chức năng quản lý các tàu đón, trả khách từ bờ ra các đảo của Kiên Giang. Hiện các đơn vị Cảng vụ đường thủy nội địa Kiên Giang và Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang phối hợp với Công an, Bộ đội Biên phòng cùng quản lý. Mặc dù có sự phối hợp trong quản lý nhưng nếu được điều chỉnh thì chỉ cần giao cho một đơn vị quản lý là Cảng vụ đường thủy nội địa hoặc Cảng vụ Hàng hải.
Liên quan đến các vấn đề xã hội hóa xây dựng bến xe, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kiên Giang khẳng định, đây là chủ trương đúng nhằm huy động được nguồn lực trong dân, tuy nhiên khi xây dựng bến xe không nên bắt buộc các tiêu chí về diện tích, mà nên chú tâm vào tiện ích, chất lượng phục vụ bến xe và sử dụng công nghệ như thế nào để phục vụ tốt nhất cho người dân.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân đề nghị Ban An toàn giao thông tỉnh Kiên Giang, các đơn vị liên quan hoàn thiện báo cáo, nhất là số lượng văn bản ban hành về bảo đảm trật tự an toàn giao thông thời gian qua và việc tổ chức triển khai các văn bản đó. Cùng với đó, cần chỉ rõ nhưng bất cập, vướng mắc khi thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, nhất là khi tháng 5 tới đây, tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua 2 dự án Luật, là dự án Luật đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông, trong đó các địa phương là đối tượng điều chỉnh chịu tác động nhiều nhất.
Theo chương trình, sáng mai, 9.4, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có cuộc làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang.