Tại phiên họp tổ sáng 16.1 của Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ và các tỉnh Điện Biên, Vĩnh Long, Bình Định (Tổ 8), đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết về ban hành Nghị quyết Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (sau đây gọi là dự thảo Nghị quyết).
Đồng thời, các đại biểu nhấn mạnh, việc ban hành chính sách đặc thù là xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), đồng thời thực hiện khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29.11.2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề các CTMTQG. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Góp ý cụ thể, ĐBQH Lê Kim Toàn (Bình Định) cho rằng, các cơ chế đặc thù trong dự thảo Nghị quyết cần được thiết kế chặt chẽ nhưng phải bảo đảm tính chất “mở” để có có chế điều chỉnh khi cần.
“Nhiều nội dung cơ chế đặc thù được thực hiện trong năm 2024, ví dụ như điều chỉnh dự toán ngân sách, điều chỉnh dự toán ngân sách chưa giải ngân của các năm trước. Vấn đề là 3 CTMTQG được thực hiện trong cả giai đoạn, kéo dài đến 2025. Trong khi cơ chế điều chỉnh dự toán ngân sách chỉ thực hiện trong năm 2024, vậy trường hợp năm 2024 và 2025, một số hạng mục, khoản chi chưa thanh quyết toán xong thì có cho phép điều chỉnh dự toán hay không?”, đại biểu Lê Kim Toàn phân tích.
Từ đây, đại biểu Lê Kim Toàn cho rằng, nên có cơ chế mở, linh hoạt trong cả giai đoạn thực hiện 3 CTMTQG.
Đối với cơ chế quản lý tài sản hình thành từ dự án do Nhà nước hỗ trợ sản nước, đại biểu Lê Kim Toàn đề nghị cần thiết kế cơ chế Nhà nước hỗ trợ các dự án để phát triển sản xuất cho người dân, cộng đồng, hộ gia đình và có cơ chế giám sát sử dụng nguồn vốn nhà nước hiệu quả, tránh lợi ích nhóm. Khi cộng đồng dân cư và hộ gia đình thực hiện các dự án này có hình thành tài sản từ nguồn vốn nhà nước thì họ được sở hữu tài sản đó.
Cùng quan điểm, ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) ủng hộ phương án 1 trong Tờ trình của Chính phủ về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Cụ thể, Tờ trình của Chính phủ đưa ra hai phương án.
Phương án 1: Thực hiện chính sách hỗ trợ theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng, hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân.
Thực hiện chính sách cho chủ trì liên kết được vay vốn ưu đãi đầu tư tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên để phục vụ hoạt động phát triển sản xuất (không thực hiện hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước).
Phương án 2:Chủ dự án phát triển sản xuất quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong thời gian thực hiện dự án. Cơ quan quản lý dự án chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài sản.
Cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định hỗ trợ, chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu các trang thiết bị, công cụ, tài sản có giá trị nhỏ cho đối tượng người dân, hộ gia đình tham gia dự án ngay từ khi phê duyệt dự án.
Sau thời điểm kết thúc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chủ dự án phát triển sản xuất tổ chức kiểm kê, đánh giá và xử lý tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước.
Trong đó, chủ dự án phát triển sản xuất (là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) liên kết theo chuỗi giá trị có thể nộp lại ngân sách nhà nước phần giá trị còn lại của tài sản hình thành từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để được tiếp nhận quyền sở hữu tài sản.
Đối với tài sản đã giao cộng đồng người dân sử dụng, cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định giao những tài sản để này hỗ trợ cho người dân tiếp tục thực hiện phát triển sản xuất (tài sản đã chuyển giao không là tài sản công).
Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến của Hội đồng Dân tộc thống nhất lựa chọn theo hướng của phương án 1 vì kế thừa được kinh nghiệm trong quản lý, tổ chức thực hiện các dự án cộng đồng của Chương trình 135 trước đây. Tuy nhiên, cần phải có nghiệm thu trước khi giao cho cộng đồng, chủ trì liên kết quản lý.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu ở những vùng đặc biệt khó khăn, đối với các tài sản có giá trị trên 500 triệu đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho không 20%, giá trị tài sản còn lại là vốn của chủ trì liên kết hoặc được hưởng vay tín dụng ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội.
Ngoài ra, để phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, Hội đồng Dân tộc thấy rằng chính sách này có thể giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh quy định từng trường hợp cụ thể.