Phản ánh đời sống văn hóa, tâm linh
Nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ dân gian có chỗ đứng riêng biệt, quan trọng trong văn hóa của người Bahnar, Jrai. Bằng sự sáng tạo và khéo léo, các nghệ nhân đã đưa những thân gỗ vô tri thành tác phẩm nghệ thuật đầy sức lôi cuốn.
Theo nhà nghiên cứu Nông Bằng Nguyên, tượng gỗ dân gian vẫn thường được nhiều người biết tới là một sản phẩm nghệ thuật phục vụ tín ngưỡng tâm linh, đặc biệt là tang ma. Tuy nhiên, trong thực tế, tượng gỗ được sử dụng với phạm vi rộng hơn, tượng còn được dùng trang trí trong nhà rông, nhà sàn, nhà dài, là những tác phẩm nghệ thuật trang trí làm đẹp môi trường sống tại các buôn làng. Có thể thấy, tượng vừa có chức năng trang trí, vừa chứa đựng tín ngưỡng dân gian, đồng thời phản ánh đời sống tâm linh của người Bahnar, Jrai.
Tượng gỗ từng là một phần bản sắc của người dân vùng cao nguyên trước khi chúng mai một, biến mất tại nơi chúng được làm ra và trở thành tài sản có giá trong các bộ sưu tập cá nhân. Tại các làng có người Bahnar sinh sống, tượng gỗ vẫn còn rải rác ở các nhà rông, nhà mồ.

Ảnh: baogialai
Theo thống kê sơ bộ, có gần 500 tượng các loại (người, thú, đồ vật, hoa quả). Tại các làng có người Jrai sinh sống tập trung ở Pleiku và các huyện như Ia Grai, Chư Păh, Chư Sê... tượng gỗ rải rác ở các khu nhà mồ, nhà rông, nhà sàn, nhà dài, hiện còn khoảng 1.000 bức cùng các cột klao, kut có chạm khắc. Đa số nguyên trạng, một số bị hư mục mộ phần, mối mọt, gãy đổ...
Hiện nay, tại nhiều nơi, hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống biến đổi, các loại hình văn hóa dân gian khó có môi trường sống. Ban đầu tượng làm ra phục vụ tín ngưỡng và trang trí, nhưng nay nhiều làng đã bỏ phong tục làm lễ bỏ mả, nên nhiều nghệ nhân không còn làm tượng. Bên cạnh sự phá hủy của thời gian, rừng bị cạn kiệt, gỗ không còn dẫn đến thiếu nguyên liệu phục vụ điêu khắc.
Thêm vào đó, nhiều thanh niên nhanh chóng thích nghi với văn hóa mới, lãng quên văn hóa cổ truyền, không mặn mà với nghề truyền thống dân tộc. Do vậy, lực lượng kế cận ngày càng giảm...
Chuyển biến phù hợp với đời sống
Theo các nhà nghiên cứu, để bảo tồn và phát huy giá trị tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai, cần tạo chuyển biến nhận thức về giá trị di sản, từ đó tăng cường các giải pháp từ chính sách tới thực tiễn. Đặc biệt, cần xây dựng, bồi dưỡng, phát triển lực lượng nghệ nhân; khôi phục, duy trì và phát huy những yếu tố tích cực của lễ bỏ mả để qua đó nghệ nhân tiếp tục thể hiện tài năng của mình.
Quan niệm truyền thống của người Bahnar, Jrai cho rằng tượng gỗ đa phần làm ra để phục vụ đời sống tâm linh, một số ít tượng để trang trí nhà rông, nhà sàn. Tuy nhiên, hiện nay ý nghĩa, chức năng, giá trị của tượng đã biến đổi. Những nghệ nhân tạc tượng gỗ cũng đang tự chuyển biến để phù hợp hơn với nhu cầu đời sống, có thể làm tượng gỗ để bán khi có cá nhân, đơn vị đặt hàng. Đây chính là khả năng thích ứng của tượng gỗ dân gian Tây Nguyên và cũng là xu thế, muốn tồn tại và phát triển không thể không tiếp nhận thêm giá trị này.

Ảnh: baogialai
Năm 2022, dự án Phát huy giá trị tượng gỗ dân gian của người Bahnar, Jrai tại Gia Lai đã được Hội đồng Anh hỗ trợ, hướng tới bảo tồn kiến thức và kỹ năng của các nghệ nhân tạc tượng gỗ tại địa phương. Hoạt động chính của dự án là chương trình lưu trú cho đoàn nghệ nhân đến từ 17 huyện, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Những nghệ nhân này thí điểm tạc phiên bản thu nhỏ của các bức tượng, và đào tạo những người khác cùng thực hiện để làm quà lưu niệm cho khách du lịch.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Loan - Chủ nhiệm dự án cho biết: Việc làm tượng gỗ dân gian đã tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật mang lại giá trị thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, để phù hợp với cuộc sống hiện đại và tạo thêm thu nhập cho nghệ nhân, tượng gỗ cần được cải tiến, có nhiều kích thước khác nhau, giá cả hợp lý để có thể trở thành hàng hóa. Với quan điểm đó, mục tiêu của lớp bồi dưỡng là giúp nghệ nhân có thể tạc được tượng với các kích cỡ khác nhau, bằng những loại gỗ sẵn có trong vườn, quanh nhà. Dự án cũng khảo sát để đánh giá các nhóm tượng được yêu thích nhất, từ đó quảng bá, kết nối thị trường.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần chú ý tới việc phổ biến, giới thiệu tượng trong nhiều không gian khác nhau. Đồng thời, xây dựng mô hình các khu trưng bày tượng gỗ bảo đảm chất lượng về chất liệu, tính khoa học, thẩm mỹ tại các khu du lịch sinh thái của tỉnh, khuôn viên quảng trường... Từ những không gian ấy, tượng gỗ dân gian từng bước đến gần hơn với nhiều đối tượng thưởng lãm.
Tượng gỗ dân gian cùng những nghệ nhân sáng tạo nên chúng đã và đang đóng góp một vẻ đẹp độc đáo và mang lại nhiều giá trị to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần đối với đồng bào dân tộc thiểu số Bahnar, Jrai tại Gia Lai. Nhìn nhận rõ giá trị của tượng gỗ dân gian và tìm hướng đi cho sản phẩm là hướng khôi phục, gìn giữ và quảng bá bản sắc văn hóa hiệu quả và bền vững mà địa phương đang mạnh dạn thực hiện.