Điều này dễ hiểu bởi EU là thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành gỗ nước ta. Năm ngoái, nước ta đứng thứ 5 trong top thị trường dẫn đầu về cung cấp đồ nội thất bằng gỗ cho EU với kim ngạch trị giá 679,7 triệu euro (tương đương 734 triệu USD), tăng 38% so với năm 2021. Hơn thế nữa, các thị trường xuất khẩu lớn khác của nước ta như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Canada, Australia… đều đang cân nhắc áp dụng các cơ chế tương tự EUDR với các loại hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, đáp ứng các yêu cầu của EUDR cũngchính là bước chuẩn bị cho việc đáp ứng yêu cầu tại các thị trường chiến lược khác của ngành gỗ.
EUDR được ban hành tháng 6.2023, áp dụng với 7 nhóm hàng nhập khẩu vào EU, trong đó có gỗ và sản phẩm gỗ. Theo đó, gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ được kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm giảm thiểu những rủi ro liên quan tới mất rừng và suy thoái rừng.
Cụ thể, theo các chuyên gia của Tổ chức Forest Trend, các mặt hàng nhập khẩu chỉ được phép lưu thông tại thị trường này nếu đáp ứng được ba điều kiện. Một là, sản phẩm nhập khẩu là hợp pháp - nghĩa các hoạt động sản xuất, chế biến, vận chuyển... diễn ra tại quốc gia sản xuất đáp ứng được toàn bộ các quy định pháp luật của quốc gia này. Hai là, quá trình sản xuất sản phẩm không gây mất rừng, với mốc thời gian mất rừng tính từ sau ngày 31.12.2020.
Thứ ba, doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm gỗ vào EU phải thu thập thông tin về chuỗi cung và dựa trên thông tin đó đánh giá rủi ro về các khía cạnh tuân thủ pháp luật của quốc gia sản xuất và về mất rừng, từ đó đưa ra các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Các thông tin về chuỗi cung, quá trình đánh giá rủi ro và đặc biệt các biện pháp giảm thiểu rủi ro cần được doanh nghiệp công bố trong một bản cam kết - mà doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan quản lý nhập khẩu tại EU trước khi đưa hàng hóa vào EU.
Tùy theo quy mô lớn hay nhỏ, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ nước ta sẽ có 18 - 24 tháng để đáp ứng các yêu cầu từ quy định mới này. Và muốn thích ứng được thì cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, ngành hàng đều phải chung tay hành động.
Các chuyên gia của Tổ chức Forest Trend nhấn mạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm thống nhất cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng và đất nông/lâm nghiệp. Theo quy định của EUDR, nhà nhập khẩu cần cung cấp thông tin tọa độ của thửa đất sản xuất kèm theo các bằng chứng khác để chứng minh quá trình tạo ra sản phẩm không gây mất rừng. Tuy Việt Nam ít có nguy cơ bị xếp loại rủi ro cao về mất rừng do diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên đã ổn định trước thời điểm 31.12.2020 từ lâu, song việc chứng minh điều này không đơn giản trên thực tế.
Về phía doanh nghiệp, ngoài việc nắm bắt đầy đủ yêu cầu về EUDR, việc cần làm ngay là phải chủ động rà soát chuỗi cung ứng hiện tại của mình, xác định các rủi ro và thiết kế và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao tính minh bạch trong chuỗi cung, đặc biệt là về khía cạnh truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp nên ưu tiên cho việc xây dựng các chuỗi cung nguyên liệu có chứng chỉ bền vững - vì điều này sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các quy định về tính hợp pháp của các hoạt động trong chuỗi và loại bỏ được rủi ro về phá rừng.