Lý do đầu tiên để lạc quan là thành công của nhiều quốc gia trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đa dạng về văn hóa và chính trị như Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, New Zealand và Việt Nam, đã chứng minh cho thế giới thấy, bằng một cách nào đó, các chiến lược y tế công cộng của họ đã tỏ ra vô cùng hiệu quả trong ngăn chặn đại dịch. Một số quốc gia ở các khu vực khác cũng vậy, bao gồm cả ở châu Phi cận Sahara. Trong khi chúng ta có thể thấy ngập tràn trên báo chí quốc tế những tin tức tiêu cực về những thiếu sót tai hại trong ứng phó với đại dịch ở Mỹ và châu Âu, thì những thành công ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các nơi khác cho chúng ta thấy sự tổng hòa của nhiều yếu tố: từ quản trị tốt, trách nhiệm của công dân và việc lựa chọn chính dựa trên bằng chứng có thể giải quyết như thế nào những thách thức lớn và cấp bách.
Lý do thứ hai là sự xuất hiện của vaccine. Đây không chỉ là nguồn hy vọng lớn để cứu sống con người, ngăn ngừa virus, mà còn là dấu hiệu cho thấy sức mạnh của khoa học hiện đại trong việc mang lại những đột phá công nghệ trong thời gian kỷ lục. Việc phát triển vaccine thể hiện “cách tiếp cận mang tính sứ mệnh” hướng tới mục tiêu nghiên cứu và phát triển trong nỗ lực hợp tác công - tư. Cách tiếp cận mang tính sứ mệnh tương tự cần được triển khai để giải quyết các thách thức toàn cầu khác, chẳng hạn như thúc đẩy năng lượng tái tạo, canh tác bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học.
Lý do thứ ba để lạc quan là sự thay đổi dứt khoát ở thượng tầng chính trị nước Mỹ sau cuộc bầu cử nhiều ồn ào tháng 11 năm ngoái với những rắc rối kéo dài tới cả tháng 1 năm nay. Giống như nhiều chính quyền mị dân trong quá khứ và hiện tại, Tổng thống Trump đã lôi kéo được một lượng lớn công chúng ủng hộ ông nhờ sự hỗ trợ của các tập đoàn truyền thông cánh hữu. Tuy nhiên, 4 năm cầm quyền của ông và cuối cùng là vụ bạo loạn ở trụ sở Quốc hội ngày 6.1 - một trong nỗ lực tuyệt vọng bất chấp thượng tôn pháp luật của những người ủng hộ ông nhằm đảo ngược kết quả bầu cử, đủ để những kẻ mê muội nhất phải thức tỉnh khỏi những lời cáo buộc về gian lận bầu cử và đủ để nước Mỹ bắt đầu một khởi đầu mới sau một triều đại đầy thù hận và chia rẽ.
Sự thiếu hiểu biết và bảo thủ của Chính quyền Mỹ trong quản lý khủng hoảng cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến hơn 330.000 trường hợp tử vong ở Mỹ vì Covid-19 trong năm 2020, chiếm khoảng 1/4 số ca tử vong trên thế giới dù Mỹ chỉ chiếm 4% dân số thế giới. Thất bại của ông Trump trong xử lý cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ này cũng là một phần lý do quan trọng dẫn đến thất bại của ông tại cuộc bầu cử Tổng thống. Tuy nhiên, bất chấp những lùm xùm sau bầu cử mà đỉnh điểm là cuộc bạo loạn được ví với âm mưu “đảo chính tại Quốc hội”, cuối cùng nước Mỹ sẽ bắt đầu một kỷ nguyên lãnh đạo mới khi Tổng thống đắc cử Joe Biden chính thức được lưỡng viện Quốc hội Mỹ xác nhận chiến thắng trong cuộc họp chung ngày 6.1. Sự thay đổi ở thượng tầng lãnh đạo Mỹ không chỉ mang lại hy vọng cho đất nước đầy chia rẽ và tuyệt vọng mà còn là hy vọng đối với thế giới sau 4 năm nước Mỹ sống dưới chủ thuyết “nước Mỹ là trên hết” của ông Donald Trump và văn hóa rút lui của quốc gia lớn nhất thế giới khỏi mọi thể chế đa phương và cam kết quốc tế.
Lý do thứ tư là sự trở lại mạnh mẽ của Liên Hợp Quốc (LHQ), bất chấp những sóng gió dữ dội trong năm 2020. Tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này được thành lập cách đây 75 năm bởi Tổng thống Mỹ vĩ đại nhất, Franklin Delano Roosevelt, như một bức tường thành để chống lại chiến tranh và xung đột trong tương lai. Trong suốt chừng đó năm, LHQ vẫn nỗ lực bảo vệ ba trụ cột của chủ nghĩa đa phương: hòa bình, nhân quyền và phát triển bền vững. Bất chấp những chỉ trích trước đó và bất chấp những khiêu khích từ Chính quyền Mỹ ở nhiều tổ chức của thể chế này như WHO, WTO… trong năm qua, LHQ đã hoạt động đáng ngưỡng mộ trên cả ba mặt trận.
Các cơ quan của LHQ ngày nay được lãnh đạo bởi chính trị gia có kỹ năng và sự chính trực tuyệt vời. Tổng thư ký António Guterres đã dẫn dắt tổ chức đa phương quan trọng này với kỹ năng và tầm nhìn to lớn trong thời điểm được đánh giá là khó khăn nhất kể từ khi nó được thành lập. Vào năm 2021, LHQ sẽ tổ chức một số cuộc họp toàn cầu quan trọng: về đại dương, đa dạng sinh học, hệ thống lương thực và khí hậu… để có thể đặt nền móng cho nhiều thập kỷ hợp tác toàn cầu về phát triển bền vững.
Lý do thứ năm cho sự lạc quan là những thành tựu đáng kinh ngạc của cuộc cách mạng kỹ thuật số - “nhân vật chính ít được nhắc đến” quan trọng hàng đầu trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu. Cuộc cách mạng kỹ thuật số với sản phẩm của nó là công cụ trực tuyến đã góp phần quyết định giữ cho thế giới này hoạt động. Trong vòng nhiều tuần, nhiều tháng, các doanh nghiệp, trường học, tài chính, chính phủ, thương mại, thanh toán, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hệ thống của LHQ đều đã phải sử dụng đến hình thức hoạt động trực tuyến với tốc độ, phạm vi và thời lượng không thể tưởng tượng được cho đến thời điểm đó. Các công nghệ kỹ thuật số đóng một vai trò trực tiếp trong việc chống lại dịch bệnh, cung cấp thông tin, giám sát các mô hình lây truyền bệnh và cung cấp nhiều dịch vụ hệ thống y tế.
Tất nhiên, thế giới kỹ thuật số không phải là một thiên đường trọn vẹn. Bởi đáng buồn thay, một nửa thế giới vẫn chưa được tiếp cận với internet. Kết quả là, sự chuyển dịch nhanh chóng của công việc, hoạt động học tập, đời sống xã hội, thương mại và giải trí sang các nền tảng trực tuyến đã vô hình trung càng nới rộng tình trạng bất bình đẳng giữa một thế giới có internet và không có internet. Hơn nữa, công nghệ kỹ thuật số đã làm phát sinh các tệ nạn xã hội và loại hình tội phạm mới và nghiêm trọng khác như tin tặc, tin tức giả mạo, chiến tranh mạng và sự giám sát khó kiểm soát của các chính phủ và các công ty.
Hai mặt của tấm huy chương trong thời đại kỹ thuật số - tích cực và tiêu cực, cho thấy thế giới mà chúng ta đang sống và đối mặt. Chúng ta có thể lạc quan khi biết rằng các công nghệ tiên tiến và kiến thức khoa học của thế giới cho phép chúng ta giải quyết các vấn đề toàn cầu cấp bách. Nhưng chúng ta cũng phải cảnh giác để ngăn chặn những thế lực tham lam, thiếu hiểu biết và thù hận chiếm đoạt các công nghệ mới cho các mục đích không trong sáng.
Trong thời cổ đại, các triết gia Hy Lạp tin rằng chính trị và đạo đức luôn phải song hành. Hai trong số các kiệt tác để đời của triết gia Aristotle có tên: Đạo đức học Nicomachean và Chính trị học. Tác phẩm đầu tiên đưa ra những chỉ dẫn về hạnh phúc cho con người và tác phẩm thứ hai là hướng dẫn về cách chính trị có thể thúc đẩy hạnh phúc ở các thành bang Hy Lạp.
Còn trong thời đại của chúng ta, Đức giáo hoàng Francisco từng trình bày hai thông điệp lớn: Laudato si' (với tựa phụ là Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta) vào năm 2015 và Fratelli tutti (Tất cả chúng ta là anh em) vào năm 2020, để chỉ ra cách đạo đức trong chính trị có thể đưa thế giới đến sự bền vững về môi trường và hòa bình toàn cầu. Đặc biệt trong Fratelli tutti, ông nhấn mạnh tới “bác ái trong chính trị”. “Nếu ai đó giúp đỡ một người cao niên qua sông, thì đó là bác ái, còn khi nhà lãnh đạo chính trị xây một cây cầu, đó cũng là sự bác ái tuyệt vời”. Ông kêu gọi “phục hồi tiếng tăm cho chính trị”, bằng cách sử dụng chính trị để “phục vụ công ích đích thực”, và bằng cách xây dựng “một trật tự xã hội và chính trị mà tâm hồn của nó sẽ là bác ái xã hội”.
Vì vậy, thế giới có thể bước vào năm 2021 với sự thận trọng nhưng lạc quan. Những gì xảy ra trong năm 2020 có thể thúc đẩy chúng ta quyết tâm nhân rộng mô hình y tế cộng đồng thành công ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ra các quốc gia khác; hợp tác trong phân bổ vaccine mới được phát triển ở Mỹ, châu Âu, Nga và Trung Quốc để mang lại lợi ích cho toàn thế giới. Chúng ta hãy gạt bỏ thù hận đã làm suy yếu hợp tác toàn cầu, hợp lực để khắc phục tình trạng bất bình đẳng, nghèo đói, thảm họa môi trường đang đe dọa ngôi nhà chung. Chúng ta hãy nhân đôi sự ủng hộ của mình đối với các thể chế đa phương mà tiêu biểu là LHQ, để xây dựng một tương lai dựa trên hòa bình, nhân quyền và phát triển bền vững. Và đối với những người Mỹ, quốc gia này cần bắt đầu hàn gắn một đất nước đầy thương tổn và chia rẽ, để khôi phục lại những trách nhiệm của họ với toàn cầu.