Những con số báo động
Một báo cáo công bố ngày 8.9 của Ủy ban Giáo dục Quốc hội, dựa trên dữ liệu từ Bộ Giáo dục, cho thấy số lượng giáo viên nghỉ việc trước khi nghỉ hưu chính thức đã tăng đáng kể. Từ năm 2019 đến năm 2023, có tổng cộng 32.704 giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông rời bỏ vị trí của mình. Số lượng đơn nghỉ việc đã tăng đáng kể, tăng từ 5.937 vào năm 2019 lên 7.404 vào năm 2023.
Sự gia tăng trong các đơn nghỉ việc tự nguyện – vốn cho phép giáo viên nghỉ việc bất kể số năm phục vụ của họ, cho thấy thái độ bất mãn ngày càng tăng trong nghề giáo. Số lượng giáo viên lựa chọn nghỉ việc tự nguyện đã tăng từ 690 vào năm 2021 lên 924 vào năm 2023. Đồng thời, đối tượng nghỉ hưu danh dự (cơ chế cho phép giáo viên có hơn 20 năm phục vụ trong nghề được nghỉ hưu sớm) cũng tăng từ 5.242 vào năm 2021 lên 6.480 vào năm 2023.
Dữ liệu gần đây cho thấy từ tháng 3 đến tháng 8.2024, đã có 3.367 giáo viên đã rời bỏ vị trí của mình, trong đó 2.614 người lựa chọn nghỉ hưu sớm và 753 người tự nguyện nghỉ việc.
Ngoài ra, ngày càng có nhiều giáo viên trẻ có ít hơn mười năm kinh nghiệm rời bỏ nghề. Dữ liệu từ Bộ Giáo dục cho thấy 576 giáo viên có dưới mười năm phục vụ đã nghỉ việc trong khoảng thời gian từ tháng 3 năm trước đến tháng 2 năm nay, tăng so với 448 giáo viên vào năm 2020.
Một cuộc khảo sát do Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc (KFTA) tiến hành vào tháng 8 cho thấy 86% giáo viên ở độ tuổi 20 - 30 đã cân nhắc việc bỏ nghề vì không hài lòng với mức lương của mình.
Mới đây, Viện nghiên cứu và thông tin giáo dục Seoul đã công bố báo cáo thường niên thứ ba về mức độ hài lòng trong công việc của giáo viên. Tổ chức này đã tiến hành cùng một cuộc khảo sát hàng năm kể từ năm 2020, đã thăm dò ý kiến của giáo viên từ các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông vào năm ngoái. Các nhà nghiên cứu phân loại giáo viên thành 3 nhóm; Thế hệ X (sinh từ năm 1965 đến 1979), Thế hệ Millennials (sinh từ năm 1980 đến 1989) và Thế hệ Z (sinh sau năm 1990).
Có sự khác biệt đáng kể trong cách Thế hệ X và Thế hệ M và Z nhìn nhận về sự thay đổi nghề nghiệp của họ. Trong khi 70,7% Thế hệ X không có kế hoạch thay đổi công việc và không có ý định quyết định như vậy, thì hơn một nửa Thế hệ M và Z đang chuẩn bị hoặc có ý định thay đổi công việc.
Nghề giáo chưa được tôn trọng và bảo vệ xứng đáng
Các chuyên gia cho rằng một trong những lý do chính khiến giáo viên Hàn Quốc, đặc biệt là giáo viên trẻ tuổi, nghỉ việc ngày càng tăng do chế độ đãi ngộ không đủ để bù đắp những áp lực trong công việc, nhất là sự tôn trọng đối với nghề giáo ngày càng giảm sút và áp lực khủng khiếp trong quản lý học sinh.
Một trong những áp lực lớn mà giáo viên phải đối mặt là từ các bậc phụ huynh. Hệ thống giáo dục cạnh tranh khốc liệt của Hàn Quốc gây áp lực rất lớn đối với học sinh đòi hỏi các em không ngừng cố gắng hoặc bằng mọi giá đứng đầu lớp, đứng đầu các cuộc thi có tính cạnh tranh cao. Trong bối cảnh các gia đình ngày càng có ít con, do tỷ lệ sinh thấp, họ dồn hết hy vọng vào thành tích học tập của con mình. Giáo viên do đó, trở thành mục tiêu phàn nàn và gây sức ép trong trường hợp trẻ không đạt thành tích như họ mong muốn.
Tình trạng giáo viên kiệt sức và tự tử đang trở nên báo động ở Hàn Quốc. Số liệu thống kê đáng kinh ngạc cho thấy có khoảng 100 giáo viên đã tự tử trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2023. Điều này có nghĩa là trung bình mỗi tháng có một giáo viên tự tử.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề cũng phát sinh từ Đạo luật về quyền của học sinh. Được ban hành vào năm 2010, đạo luật này cấm giáo viên trừng phạt về thể xác và có hành vi phân biệt đối xử đối với học sinh. Mặc dù được thông qua với mục đích tích cực, nhưng đạo luật vô hình trung đang trở thành cái cớ hợp pháp để một bộ phận phụ huynh “chà đạp” lên quyền của giáo viên. Nỗi e ngại bị pháp luật trừng phạt khiến giáo viên ngần ngại kỷ luật những học sinh gây rối.
Vào tháng 7 năm ngoái, cả Hàn Quốc rúng động sau vụ việc một nữ giáo viên tiểu học mới 23 tuổi phải tự kết liễu cuộc đời ngay trong lớp học ở quận Seocho, thủ đô Seoul vì "không chịu nổi áp lực". Nguyên nhân được cho là cô phải chịu đựng những lời nói chỉ trích, phàn nàn cay nghiệt từ phụ huynh của một số học sinh. Cảnh sát sau đó đã kết thúc cuộc điều tra của họ vào tháng 11, nhưng không tìm thấy căn cứ để buộc tội hình sự đối với những người liên quan. Mặc dù vậy, vụ việc đã gây ra nhiều tuần biểu tình trên toàn quốc của giáo viên, nêu bật các vấn đề về cách đối xử với giáo viên, những thách thức trong quản lý học sinh; đồng thời rung lên hồi chuông cảnh tỉnh cho nền giáo dục xứ kim chi khi mà phẩm giá và quyền uy của người nghề giáo, vốn được coi là nghề được tôn trọng, đang bị lung lay.
Trong nhật ký của cô giáo ấy, hiệp hội giáo viên tiết lộ, cô ấy viết rằng khối lượng công việc và rắc rối với học sinh đã trở nên quá tải đến mức cô “ước gì có thể bỏ lại mọi thứ phía sau”. Nhật ký cũng có đoạn: “Nghẹt thở quá. Ngay cả khi ăn, tay tôi cũng run rẩy và muốn bật khóc”.
"Khi số điện thoại di động của tôi bị tiết lộ, tôi phải nhận những cuộc gọi từ phụ huynh và học sinh vào cả ban đêm và thậm chí cuối tuần", một giáo viên tiểu học với 15 năm kinh nghiệm ở Chuncheon, tỉnh Gangwon, cho biết.
Một giáo viên 43 tuổi được phỏng vấn về sự suy giảm uy quyền của giáo viên nói rằng anh cũng từng nghĩ đến cái chết. Năm ngoái, khi còn là giáo viên chủ nhiệm, một học sinh làm sai bị anh đưa ra mức phạt kỷ luật. Sau đó, anh bị phụ huynh của học sinh này cáo buộc lạm dụng trẻ em. Ông bố 2 con nghĩ rằng cách duy nhất để chứng minh mình vô tội là tự kết liễu đời mình. May mắn thay, giáo viên này đã tự vực dậy được tinh thần 2 ngày sau khi cố gắng tự tử.
Trong bài viết thể hiện quan điểm của mình trên tờ Korea Joongang Daily ngày 26/7, ông Kim Seung-hyun - Phó giám đốc tin tức quốc gia tại tờ báo JoongAng Ilbo - đã thuật lại lời của chính người cháu gái đang làm công tác giảng dạy ở một trường cấp 2, rằng: "Nếu không phải vì những kỳ nghỉ hè, dạy học là một nghề nhất định nên tránh".
Tinh thần của cô cháu gái ông Kim dường như đã "xuống đáy" kể từ sau cái chết của một giáo viên trẻ. Cô than thở rằng niềm an ủi duy nhất của giáo viên chính là kỳ nghỉ hè. Nhà báo Kim viết: "Tôi hỏi cháu gái rằng cuộc sống ở trường có vất vả không và nhận được lời đáp: “Tình trạng không tệ như ở Seoul. Nhưng cháu thường rất tức giận khi nói chuyện với phụ huynh của một học sinh cá biệt”.
Mức lương không gánh được áp lực
Trong khi phải chịu những áp lực lớn, nghề giáo ở xứ Kim Chi được đánh giá là chưa có mức lương xứng đáng.
Theo Chỉ số Giáo dục của OECD, mức lương cơ bản cho giáo viên mới vào nghề tại Hàn Quốc dao động từ 2,19 triệu won (1.632 USD) đến 2,25 triệu won tính đến năm nay. Trong khi các khoản phụ cấp bổ sung, chẳng hạn như tiền lương thêm cho nhiệm vụ lớp học, có thể bổ sung cho mức lương này, thì các khoản khấu trừ khác nhau thường khiến giáo viên có thu nhập ròng khoảng 2 triệu won ngay cả sau nhiều năm phục vụ. Con số này thấp hơn 2.060 USD (2,74 triệu won) so với mức trung bình của OECD là 27.228 USD (36,2 triệu won).
Thu nhập sau thuế trung bình của giáo viên mới là 2,31 triệu won, thấp hơn mức chi phí sinh hoạt hàng tháng là 2,46 triệu won cho một hộ gia đình, theo báo cáo của Ủy ban Lương tối thiểu thuộc Bộ Lao động và Việc làm năm 2023.
Lương không đủ trang trải cuộc sống, khiến các thế hệ giáo viên trẻ tuổi có xu hướng nghỉ việc ngày càng gia tăng, dẫn đến nguy cơ thiếu giáo viên trầm trọng.
Một cuộc khảo sát gần đây của Liên đoàn Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc cho thấy, 86% giáo viên ở độ tuổi 20 -30 đã cân nhắc việc nghỉ việc và đổi việc vì mức lương thấp.
Cuộc khảo sát 4.603 giáo viên từ mẫu giáo đến trung học cho thấy chỉ có 0,7% hài lòng với mức lương của họ. Ngược lại, 93% bày tỏ sự không hài lòng, và 65 % nói rằng họ đặc biệt không hài lòng.
Một giáo viên trung học 39 tuổi ở tỉnh Gyeonggi nhớ lại một đồng nghiệp thuộc thế hệ Z thường xuyên bày tỏ sự thất vọng và nói về việc bỏ nghề để theo học tại Khoa Đông y của Đại học Kyung Hee. Anh cho biết: "Mặc dù một số khiếu nại từ học sinh và phụ huynh có thể khó giải quyết, nhưng nhìn chung, giáo viên phải tự mình giải quyết những thách thức này".
Ông Oh nói thêm rằng điều này khiến công việc này kém hấp dẫn hơn đối với các giáo viên trẻ, đặc biệt khi xét đến điều kiện làm việc và mức lương của họ.
Gwak Tae-un, một giáo viên trung học 27 tuổi ở Hanam, tỉnh Gyeonggi, bày tỏ lo ngại về việc trả lương không thỏa đáng cho các nhiệm vụ ở lớp, lưu ý rằng khoản trợ cấp này không đủ so với cường độ công việc. "Giáo viên tiểu học thường được giao những trách nhiệm mà những người khác tránh né, chẳng hạn như nhiệm vụ chủ nhiệm và xử lý bạo lực học đường, khiến họ phải đối mặt với những áp lực vô cùng lớn và những nhiệm vụ rất khó khăn mà không được đền bù thỏa đáng", cô cho biết.
Làm sao để giữ chân nhà giáo?
Khi được hỏi về các giải pháp cho vấn đề giáo viên mới nghỉ việc, khoảng 53,9% cho biết cải thiện chế độ đối với giáo viên là yếu tố quan trọng. Ngoài ra, 37,5% nhấn mạnh nhu cầu bảo vệ quyền của giáo viên mạnh mẽ hơn.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng trong một xã hội tư bản, tầm quan trọng của tiền lương và điều kiện làm việc không thể bị bỏ qua, đặc biệt phải có các biện pháp cải thiện chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên.
Park Nam-gi, giáo sư tại Đại học Sư phạm Quốc gia Gwangju, chỉ ra rằng mức lương của giáo viên không tăng đáng kể so với các ngành nghề khác. "Cần phải tăng lương cho giáo viên trẻ vì Đạo luật Đặc biệt về cải thiện tình trạng giáo viên khuyến khích chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với những người trong ngành giáo dục". Mặc dù luật này yêu cầu rõ ràng chính quyền địa phương phải trả mức lương ưu đãi đối với giáo viên, nhưng ông Park lưu ý điều này đã không được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ.
Park Joo-ho, Giáo sư tại Khoa Giáo dục của Đại học Hanyang, thừa nhận rằng mặc dù mức lương của giáo viên có thể không tăng nhanh do họ là viên chức nhà nước, nhưng vẫn cần có những cải thiện khác. Ông cho biết: "Mở rộng cơ hội đào tạo và hỗ trợ giáo viên lấy bằng cấp cao hơn có thể giúp bồi dưỡng những nhà giáo tài năng", đồng thời nói thêm rằng tăng trợ cấp cũng rất quan trọng để giải quyết tình trạng bất mãn của giáo viên.
Ủy ban Giáo dục Quốc hội, Đại biểu Jung Sung-kook, người chủ trì Báo cáo của Ủy ban, cho biết. "Tình trạng gia tăng các đơn nghỉ việc tự nguyện và các trường hợp nghỉ hưu sớm của giáo viên làm nổi bật một vấn đề nghiêm trọng. Chính phủ phải hành động ngay lập tức và hiệu quả để giải quyết những thách thức về quản lý học sinh, thẩm quyền và sự tôn trọng đối với giáo viên ngày càng xuống dốc và mức lương thấp để có thể giữ chân những nhà giáo tài năng".