Tuổi thọ con người tăng trở lại
Sau thời gian gián đoạn vì đại dịch, tuổi thọ toàn cầu tăng trưởng trở lại vào năm 2023: hiện nay là 73,4 tuổi, tăng tới 12 năm so với năm 1980. Tuổi thọ thay đổi đáng kể theo vùng cũng như theo quốc gia và vào năm 2023, dao động theo vùng từ mức thấp nhất là 57,7 tuổi ở Tây Phi đến mức cao nhất là 82,7 tuổi ở Tây Âu.
Trước đó, theo báo cáo Triển vọng dân số thế giới năm 2022 của Liên Hợp Quốc, tuổi thọ toàn cầu giảm 1,8 năm sau đại dịch, từ 72,8 tuổi năm 2019 xuống còn 71 tuổi.
Con người sống vị tha hơn
Đại dịch Covid-19 khiến con người trên khắp thế giới trở nên vị tha hơn. Theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2022 của World Happiness, tỷ lệ “giúp đỡ người lạ” tăng 10% vào năm 2021 và 2022. Còn theo báo cáo mới nhất của năm 2023, mọi người trên thế giới vẫn đang tiếp tục nhận được nhiều sự tử tế, giúp đỡ và hỗ trợ từ mọi người trong cuộc sống hàng ngày. Nói cách khác, những cuộc khủng hoảng toàn cầu trong vài năm qua không khiến con người trở nên ẩn dật, thu mình và bàng quan, mà thay vào đó sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn.
Trong thời kỳ khủng hoảng, chẳng hạn như thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp về y tế, thế giới đã chứng kiến tinh thần đoàn kết cao cả, khi các quốc gia và cá nhân chung sức giúp đỡ các nạn nhân và hỗ trợ khắc phục hậu quả. Phản ứng tức thời và mạnh mẽ của các nước trên thế giới trước trận động đất kinh hoàng xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào tháng 2.2023 hay trận lũ lụt lịch sử vào tháng 9.2023 ở Libya là dấu hiệu rõ ràng rằng những khác biệt về chính trị và ý thức hệ có thể dễ dàng được gạt sang một bên vì tình người. Các đội cứu hộ, thiết bị y tế, thực phẩm và nhiều vật dụng hỗ trợ khác đã được điều động nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp về nhân đạo từ khắp nơi trên thế giới. Bi kịch, sự đau đớn và thống khổ của con người đã giảm bớt đáng kể nhờ tinh thần tương thân, tương ái, "lá lành đùm lá rách" và tình người không biên giới.
Vaccine chống sốt rét mang lại nhiều hy vọng
Trong cuộc họp báo tháng 7.2023, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus thông báo loại vaccine chống bệnh sốt rét đầu tiên của thế giới, mang tên RTS,S do hãng dược GlaxoSmithKline của Anh sản xuất, đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả trên thực tế. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh (do bất kỳ nguyên nhân nào) giảm 13% sau khi tiêm. Ngoài ra, loại vaccine thứ hai rẻ hơn, R21 do Đại học Oxford của Anh phát triển, cũng đã được phê duyệt, kỳ vọng sẽ sớm có thêm nguồn cung vaccine trong thời gian tới. WHO dự tính vaccine có giá từ 2 đến 4 USD mỗi liều, sẽ ra mắt thị trường giữa năm 2024.
Hơn 600.000 người tử vong vì sốt rét năm 2021 trên toàn thế giới, trong đó trẻ dưới 5 tuổi chiếm 80% số ca tử vong ở châu Phi.
Đột phá y học trong chỉnh sửa gene CRISPR và chữa Alzheimer
Năm 2023, nhiều phương pháp chữa bệnh mang tính đột phá đã được phê duyệt như công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR để điều trị chứng rối loạn máu di truyền hay thuốc làm chậm bệnh Alzheimer. Tháng 11.2023, Cơ quan Quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe Vương quốc Anh (MHRA) phê duyệt việc sử dụng liệu pháp CRISPR để điều trị hai chứng rối loạn máu di truyền. Đây là phương pháp đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR được phê duyệt.
Đặt tên là Casgevy, phương pháp này có khả năng chữa khỏi cho bệnh nhân suốt đời chỉ qua lần điều trị duy nhất. Hiện đây chỉ là phương pháp đầu tiên trong hàng chục phương pháp điều trị các bệnh di truyền tiềm năng khác như ung thư hay vô sinh.
Cũng trong năm 2023, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt Leqembi (lecanemab-irmb), loại thuốc đầu tiên làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer. Nó là liệu pháp điều trị bệnh Alzheimer đầu tiên được chấp thuận hoàn toàn trong 20 năm qua. Dữ liệu nghiên cứu cho thấy, thuốc có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh tới 27% trong 18 tháng.
Cấy ghép não mang lại “tiếng nói” cho người câm
Một số các tin tức y học đáng chú ý khác tính cho đến thời điểm này trên thế giới là tiềm năng cấy ghép não mang lại giọng nói cho những người bị liệt hoặc suy giảm khả năng nói. Đây là nội dung hai nghiên cứu được phát hành trên tờ Nature của Mỹ vào tháng 8.2023 của Tiến sĩ Jaimie Henderson, nhà khoa học kiêm bác sĩ giải phẫu thần kinh tại Stanford Medicine, Mỹ.
Ông và các đồng nghiệp đang phát triển các thiết bị cấy ghép vào não có thể biến những mong muốn trên thành hiện thực. Theo nghiên cứu, cấy ghép não, được mô tả là kỹ thuật giả thần kinh, có thể ghi lại hoạt động thần kinh của một người khi họ cố gắng nói một cách tự nhiên và hoạt động não đó có thể được giải mã thành các từ trên màn hình máy tính, thông qua giọng nói audio hoặc thậm chí còn được truyền đạt bằng hình ảnh động.
Năng lượng mặt trời đang tăng trưởng theo cấp số nhân
Khi năm 2023 kết thúc, ngành năng lượng mặt trời đã lắp đặt khối lượng kỷ lục trên toàn thế giới. Thực tế, trong vòng 4 năm qua, thế giới đã tăng công suất lắp đặt lên gấp đôi. Theo BloombergNEF, sản lượng năng lượng mặt trời của thế giới hiện nay vào khoảng 413 gigawatt, phần lớn là nhờ Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trên đà tăng gấp đôi công suất điện gió và mặt trời trước mục tiêu 2030 của mình 5 năm. Một điểm sáng nữa có thể kể đến là Chile, đang nổi lên là quốc gia có tiềm năng lớn trong khai thác năng lượng mặt trời, vì trong năm 2023, cao nguyên Altiplano ở sa mạc Atacama thuộc Chile đã chính thức được công nhận là điểm thu hút nhiều ánh sáng Mặt Trời nhất trên Trái Đất. Một nghiên cứu cho biết, khu vực này nhận trung bình 308 watt ánh nắng trên một mét vuông, lớn nhất hành tinh.
Ngược lại, năng lượng toàn cầu đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch đã giảm từ 90% xuống còn 82% kể từ năm 1980, trong đó lượng khí thải SO₂ giảm một phần ba. Tốc độ này hứa hẹn sẽ tăng tốc để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Số sinh viên đại học đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua
Theo dữ liệu gần nhất của Ngân hàng thế giới, số sinh viên đại học trên toàn cầu đã tăng gấp đôi sau 20 năm. Trong đó, khoảng 39% nam giới và 45% nữ giới trong độ tuổi đi học được ghi danh vào giáo dục đại học. Đây là xu hướng rất đáng chú ý và đầy lạc quan, thể hiện sự quan tâm và cam kết của nhiều quốc gia đối với giáo dục bậc cao, đồng thời cho thấy sự cân bằng tương đối về giới trong lĩnh vực này.
Thực tế, giáo dục bậc cao đóng vai trò vô cùng quan trọng và đa chiều đối với phát triển kinh tế, xã hội. Nó cung cấp kiến thức chuyên sâu và kỹ năng chuyên nghiêp, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Thông thường, các quốc gia với lực lượng lao động có trình độ giáo dục cao hay có lợi thế cạnh tranh lớn hơn các nước khác.