Không để phát sinh tâm lý lựa chọn chương trình hỗ trợ
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đã đánh giá cao những kết quả quan trọng của Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, cũng như hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình tại kỳ họp vừa qua. Cử tri rất vui mừng, phấn khởi khi các ĐBQH đã nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đại biểu, nỗ lực thực hiện lời hứa, cam kết đối với cử tri và nhân dân; nhờ đó, đa số ý kiến, kiến nghị đã được các bộ, ngành Trung ương quan tâm giải đáp, xử lý kịp thời.
Với tinh thần thẳng thắn, cử tri huyện Tân Lạc đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và tỉnh Hòa Bình nhiều ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Cử tri xã Lỗ Sơn phản ánh, việc quy định tỷ lệ quay vòng vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đối với dự án chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản là 15%; đối với dự án chăn nuôi gia cầm và trồng trọt là 10% là chưa hợp lý. Bởi các hộ tham gia chương trình đều là các hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo nên sẽ gây khó khăn trong thu hồi vốn quay vòng. Do đó, đề nghị bỏ các quy định này hoặc giảm bớt tỷ lệ quay vòng vốn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong triển khai.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Tân Lạc cũng như các địa phương khác có một số chương trình mục tiêu thực hiện hỗ trợ về nhà ở với mức hỗ trợ khác nhau, nhưng cùng đối tượng là hộ nghèo và hộ cận nghèo. Vừa qua, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động Phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước từ nay đến năm 2025, theo đó mức hỗ trợ làm nhà mới là 50 triệu đồng/hộ; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 ngoài mức hỗ trợ như chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững (40 triệu đồng/hộ), còn hỗ trợ cho vay đến 40 triệu đồng/hộ để làm nhà với lãi suất ưu đãi và hỗ trợ kinh phí đầu tư kết cấu hạ tầng để làm nhà với tiêu chí diện tích tối thiểu phải từ 30m2 trở lên và đáp ứng 3 cứng (nền cứng; khung, tường cứng; mái cứng)...
Từ đó, các hộ nghèo và hộ cận nghèo có tâm lý lựa chọn chương trình để đăng ký hưởng mức hỗ trợ cao hơn; tâm lý so sánh chế độ hỗ trợ của đối tượng thụ hưởng. Cử tri đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh để tất cả các chương trình có mức hỗ trợ như nhau không để các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh tâm lý lựa chọn chương trình để được nhận mức hỗ trợ cao hơn.
Hoàn thiện và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách
Cũng tại các buổi tiếp xúc, một số cử tri cho rằng, mặc dù tỉnh Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 379/2024/NQ-HĐND ngày 28.3.2024 quy định chức danh, mức phụ cấp, việc kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, mức khoán của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, mức phụ cấp kiêm nhiệm và mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn chưa bảo đảm mức sống trung bình cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn. Do vậy để giúp họ yên tâm công tác, cử tri mong muốn Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm cơ chế, chính sách cải thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
Bên cạnh đó, cử tri thành phố Hòa Bình kiến nghị, Đoàn ĐBQH tỉnh cần quan tâm đề xuất với Trung ương xem xét, bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển du lịch; có cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi phát triển khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình; quan tâm đầu tư kè cứng hai bên bờ sông Đà, khu vực hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình. Đặc biệt, các cấp có thẩm quyền cần sớm giải quyết dứt điểm việc tranh chấp giữa Vườn Quốc gia Ba Vì và người dân 3 xã Quang Tiến, Thịnh Minh và Mông Hóa (thành phố Hòa Bình)... Nhiều cử tri huyện Tân Lạc kiến nghị Đảng, Nhà nước và Quốc hội nên có chính sách ưu tiên thu hút đối với con em là người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tốt nghiệp đại học vào làm việc tại địa phương, phù hợp với trình độ đào tạo và vị trí việc làm.
Trước những tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định sẽ cùng Đoàn ĐBQH tỉnh phản ánh những kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân tỉnh Hòa Bình đến với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện của tỉnh Hòa Bình.
Một trong những vấn đề nổi cộm được cử tri huyện Tân Lạc đề cập đó là vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách, đặc biệt là với các chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua. Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, qua kiểm toán đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra những bất cập trong quy định, dẫn đến chồng chéo, khó triển khai trong thực tế. Trên cơ sở đó đã kiến nghị các bộ, ngành xem xét, điều chỉnh. “Chúng tôi sẽ tiếp tục ghi nhận và phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý, giải quyết”, ông Tuấn khẳng định.
Làm rõ nội dung tuyển dụng người sau tốt nghiệp, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, đây là trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, việc xét biên chế cũng có những khó khăn nhất định. Trước hết, cần làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp để tránh tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, giúp các em lựa chọn được công việc phù hợp.