Liên quan cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại khoản 7, Điều 4, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho biết, Chính phủ đưa ra 2 phương án: Thứ nhất là chưa thực hiện phân cấp cho cấp huyện mà chỉ chuẩn bị một số định hướng để thực hiện cho giai đoạn 2026 - 2030. Thứ hai thì thực hiện ngay trong giai đoạn 2021 - 2025, giới hạn thí điểm chọn một huyện thực hiện. Hội đồng Dân tộc thống nhất lựa chọn phương án 2.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương băn khoăn khi lựa chọn phương án này bởi thời gian thực hiện chỉ còn lại hai năm 2024 - 2025, nếu gặp vướng mắc ở khâu thủ tục, giấy tờ thì triển khai sẽ bị chậm và không đủ thời gian cụ thể để đánh giá việc triển khai thí điểm ở một số huyện đạt kết quả thế nào, tác động xã hội ra sao, rút ra kinh nghiệm để triển khai ở giai đoạn sau.
Đại biểu cho rằng, nên thiết kế lại để có thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, nếu quyết tâm làm tốt, giai đoạn 2 không cần thí điểm 50% số huyện mà mở rộng hơn. Đại biểu đánh giá rất khó để lựa chọn trong 2 phương án này vì không không đủ cơ sở, căn cứ trong triển khai thực hiện.
Đồng tình với ý kiến trên, ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị thêm, việc phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, nếu để HĐND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tiễn để được quyết định lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm thì cần có tiêu chí rõ ràng cho các tỉnh có căn cứu lựa chọn. Huyện đang làm tốt thì có cần thí điểm nữa không? Huyện đang gặp khó khăn, vướng mắc về điều kiện mà chọn thí điểm thì có phù hợp không?
Về thời gian thực hiện, thí điểm cũng cần quy định rõ thời gian, thời điểm kết thúc. Nguồn vốn chuyển kéo dài từ 2021-2022 kéo dài sang 2023 và bây giờ chuyển nguồn sang 2024, rất áp lực để các địa phương triển khai các chương trình thực hiện.
Đại biểu cho rằng, cần quy định rõ hơn về trường hợp nào HĐND cấp tỉnh quyết định phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết cho đến từng dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. “Trong dự thảo nghị quyết quy định “trường hợp cần thiết”, nhưng tôi thấy trường hợp nào cũng cần thiết” - đại biểu khẳng định.
Đại biểu Ma Thị Thúy cũng đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền phân bổ, điều chỉnh đối với cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn và tránh dàn trải, lãng phí. Về thực tế thì nhiều dự án, tiểu dự án thành phần trùng với địa bàn đối tượng nhỏ lẻ, không tập trung.