Nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn
Theo Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ Nguyễn Văn Long, để phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan của du khách, Trung tâm đã chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, chú trọng an ninh trật tự; xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn triển khai trong khu vực di sản.
Hiện Trung tâm đã đưa vào khai thác trưng bày “Không gian văn hóa nông nghiệp vùng Tây Đô”, giới thiệu đến công chúng chủ điểm nông cụ canh tác truyền thống, với những nét sinh hoạt văn hóa dung dị, thuần phác, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của nông dân.
Ngoài phòng trưng bày bổ sung các di vật, hiện vật liên quan đến vương triều Hồ, Trung tâm đưa vào khai thác “Không gian trưng bày hiện vật ngoài trời”; không gian trưng bày đá xây thành làm điểm check-in mới tại cổng Nam.
Tổ chức các chương trình giáo dục di sản cho học sinh trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử của dân tộc, phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo trong tuổi trẻ học đường thông qua các hoạt động học tập và vui chơi lành mạnh góp phần định hướng lối sống đẹp, ý thức tôn trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa của địa phương, quê hương, đất nước.
Khi đến thăm di sản Thành nhà Hồ, du khách tham quan trong khu vực nội thành gồm: Nhà trưng bày bổ sung - Trưng bày hiện vật ngoài trời - Không gian văn hóa nông nghiệp - Gian hàng trưng bày các sản phẩm từ cây Sâm báo - Cổng Nam - Khu trưng bày đá xây Thành nhà Hồ.
Tuyến di sản Thành nhà Hồ - làng cổ gồm các điểm tham quan: Nhà trưng bày bổ sung - Đền thờ Bình Khương - check-in Sen trong hồ cổ thành Nội - Nhà cổ gia đình ông Phạm Ngọc Tùng - Chùa Linh Giang - Cổng Nam - Khu trưng bày đá xây thành.
Tham quan văn hóa tâm linh vùng đệm dọc sông Mã gồm các điểm tham quan: Phòng Trưng bày bổ sung - Đền thờ Bình Khương - Chùa Linh Giang - Chùa Tường Vân (chùa Giáng) - Đàn Nam Giao - Cổng Nam - Khu trưng bày đá xây Thành nhà Hồ.
Hiện nay, Thành nhà Hồ nằm trong trục chính hành trình tham quan gồm: Sầm Sơn - Thành nhà Hồ - Suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy); TP. Thanh Hóa - Thành nhà Hồ - Suối cá thần Cẩm Lương - Thác Mây (Thạch Thành); TP. Thanh Hóa - Sầm Sơn - Thành nhà Hồ - Khu du lịch Kim Sơn (Vĩnh Lộc); kết nối các di tích quốc gia đặc biệt như: Khu di tích đền Bà Triệu - Khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân), Khu di tích đền thờ Lê Hoàn - Di sản Thành nhà Hồ.
Phát huy bền vững giá trị khu di sản
Thời gian qua, song song với quản lý, nghiên cứu, khai quật và bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, công tác phát huy giá trị khu di sản đến với bạn bè trong nước và quốc tế đã được tỉnh Thanh Hóa thực hiện hiệu quả. Mỗi năm di sản đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến thăm, tính đến đầu tháng 5, đã có gần 80.000 lượt khách đến tham quan Thành nhà Hồ; ước tính năm 2023 đón hơn 250.000 lượt khách. Đối tượng du khách cũng đa dạng, phong phú hơn, không chỉ có đối tượng khách nội tỉnh, ngoại tỉnh mà khách quốc tế ngày càng tăng.
Hiện nay, giá vé tham quan vào di sản Thành nhà Hồ đối với người lớn là 40.000 đồng/người; trẻ em (từ 8 - 15 tuổi) là 20.000 đồng/người; trẻ em dưới 8 tuổi được miễn phí giá vé tham quan. Giá vé linh hoạt thay đổi tùy vào thời điểm, đặc biệt dịp lễ, tết nhằm thu hút du khách đến với di sản.
Ông Nguyễn Văn Long cho biết, với mục tiêu, phát triển du lịch di sản Thành nhà Hồ theo hướng bền vững, đóng góp vào sự phát triển của địa phương, Trung tâm tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề án nhằm khai thác phát triển du lịch Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, chú trọng phát triển loại hình du lịch đặc trưng thế mạnh vốn có như các lễ hội truyền thống; du lịch cộng đồng; tăng cường liên kết nội tỉnh, tạo thành các tuyến du lịch kết nối các điểm đến trong tỉnh. Đẩy mạnh chương trình giáo dục di sản, đưa khu di sản Thành nhà Hồ trở thành điểm tham quan, học tập, nghiên cứu và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau.
Trung tâm cũng phối hợp với UBND huyện Vĩnh Lộc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh và các ban ngành tổ chức các lớp bồi dưỡng cho các đối tượng tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch và Nhân dân trong vùng di sản. Khai thác các loại hình nghệ thuật, các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch kết hợp với tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.
Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tuyên truyền ý thức bảo vệ di sản tới người dân và khách du lịch, đồng thời tăng cường hợp tác với các địa phương như Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình “Con đường di sản miền Trung” và “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ” để phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá, xúc tiến du lịch.