Theo đó, vụ án phát hiện tháng 4.2022 vừa qua và tuyên hình phạt tù với cả 5 đối tượng, trong đó có một đối tượng được hưởng án treo.
Trước đó, ngày 10.4.2022, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường - Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng Công an huyện Thường Xuân đã phát hiện đối tượng Đỗ Văn Lấn (sinh năm 1974) và vợ là Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1977), cùng trú tại thôn Thống Nhất 2, xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa có hành vi tàng trữ trái phép 1 cá thể hổ trưởng thành đông lạnh, 1 bộ da hổ, 15 kg xương động vật hoang dã, 20 miếng cao nghi của động vật hoang dã, 6 nanh nghi của động vật hoang dã cùng nhiều vật dụng để chuẩn bị nấu cao tại nhà riêng.
Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng bắt giữ thêm nhiều đối tượng có liên quan đến hoạt động tàng trữ, mua bán trái phép động vật hoang dã này, bao gồm: đối tượng Hoàng Văn Hiến (sinh năm 1974, trú tại thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) – được xác định là đối tượng bán cá thể hổ cho Lấn và Oanh, đối tượng Nguyễn Văn Liệu (sinh năm 1967, trú tại khu phố 3, thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) được xác định là các đối tượng vận chuyển hổ từ Nghệ An ra Thanh Hóa và Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1966, trú tại phường Đông Tân, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) – được xác định là đối tượng môi giới vụ mua bán hổ này.
Đặc biệt, trong các đối tượng này, hai đối tượng Hiến và Tuấn đều đã từng bị truy cứu trách nhiệm hình sự và nhận bản án phạt tù nhưng cho hưởng án treo về hành vi phạm tội liên quan đến động vật hoang dã. Trong đó, Tuấn đã tiếp tục phạm tội khi vẫn đang trong thời gian thử thách thi hành “án treo”.
Sau quá trình nghị án, Hội đồng xét xử đã quyết định tuyên phạt đối tượng Đỗ Văn Lấn 15 tháng tù; đối tượng Nguyễn Thị Oanh 14 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 28 tháng; đối tượng Hoàng Văn Hiến 14 tháng tù và đối tượng Nguyễn Văn Liệu 12 tháng tù. Đối tượng Nguyễn Văn Tuấn nhận hình phạt 14 tháng tù nhưng bị tổng hợp hình phạt với bản án “treo” trước đó và phải chấp hành tổng cộng 50 tháng tù cho cả 2 bản án. Các đối tượng cũng bị tuyên truy thu số tiền thu lợi bất chính trong vụ án này.
Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) Bà Bùi Thị Hà chia sẻ: “ENV chúc mừng thành công của các cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng huyện Thường Xuân trong công tác phát hiện, điều tra và xử lý hành vi phạm tội của các đối tượng trong vụ án này. Đây là chiến công đặc biệt xuất sắc thể hiện quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cạo của các đơn vị liên quan vì hiếm có một vụ án nào mà các cơ quan chức năng địa phương đã thành công trong việc làm rõ và truy cứu trách nhiệm hình sự tất cả các đối tượng có liên quan ở những vị trí, vai trò khác nhau, từ đối tượng bán, đối tượng mua cho đến đối tượng vận chuyển, môi giới bán động vật hoang dã trái phép như trong vụ án này.”
Hổ (Panthera tigris) và gấu ngựa (Ursus thibetanus) đều là các loài động vật hoang dã thuộc lớp thú nằm trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm Nghị định 64/2019/NĐ-CP. Theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017 - BLHS), các hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã thuộc Danh mục loài trên có thể bị xử phạt lên đến 15 năm tù đối với cá nhân tùy theo số lượng cá thể động vật hoang dã bị xâm hại.
Trong vụ án trên, với hành vi vi phạm xâm hại đến một cá thể hổ (của tất cả các đối tượng) và các sản phẩm của gấu (của đối tượng Hiến), các đối tượng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b, Khoản 1 Điều 244 BLHS với mức hình phạt từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc từ 1 đến 5 năm tù đối với cá nhân.