Khái niệm giảm phát xuất hiện lần đầu tiên ở nước ta từ năm 2000. Trong thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, Việt Nam trải qua một nạn lạm phát phi mã. Mức lạm phát gia tăng từ 125% vào năm 1980 lên đến 487% vào năm 1986. Sau khi chính sách “đổi mới” và thả lỏng giá cả được thi hành, mức lạm phát giảm xuống 4,2% vào năm 1999. Đến đầu thập niên thứ nhất của thế kỷ 21, Việt Nam trải qua giảm phát nhẹ ở mức -1.6% vào năm 2000 và -0.4% vào năm 2001.
Giảm phát là trường hợp ngược lại với lạm phát, có nghĩa là giá cả hạ thấp. Về trực giác, người tiêu dùng thích giảm phát nhưng người sản xuất lại không ưa gì. Khi giá có khuynh hướng tụt giảm, người tiêu thụ ngưng chi tiền, chờ coi bao giờ giá xuống hết cỡ mới mua sắm. Nhà sản xuất không bán được thì phải giảm giá để “chiêu” khách. Bớt sản xuất thì phải cho nhiều người nghỉ việc. Người thất nghiệp sẽ bớt tiêu thụ đi. Như vậy thì giá cả lại bị áp lực phải xuống nữa. Nhiều người cho rằng, vòng luẩn quẩn đó nguy hiểm hơn là lạm phát vì cả sản xuất và kinh doanh sẽ đình trệ, đóng băng. Để phòng bệnh này, người ta phải nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất hoặc thuế để kích thích tiêu dùng.

Từng giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 1989- 1997, hiện là thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia, TS Cao Sĩ Kiêm kể, ứng phó với giảm phát nhẹ những năm 2000- 2001, đã có lúc Nhà nước phải phát không nguyên vật liệu, kích cầu bằng cho vay hấp dẫn mới phục hồi được thị trường. Vì thế, ông cho rằng, nguy cơ giảm phát có xảy ra hay không phụ thuộc chủ yếu vào cách điều hành kinh tế của Chính phủ.
Sau khi Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 10 giảm 0,19% so với tháng 9, đã xuất hiện một số ý kiến cho rằng nguy cơ giảm phát đang tới gần, và vì vậy cần nới lỏng chính sách tiền tệ (giảm lãi suất và tăng tín dụng) và kích cầu (giảm thuế hay tăng chi tiêu của Chính phủ). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia sau khi phân tích từ cả góc độ lý thuyết lẫn thực tiễn đã nhận định: nỗi lo giảm phát ở Việt Nam hiện nay là thiếu cơ sở và khuyến nghị Chính phủ cần hết sức thận trọng trước những gợi ý chính sách xuất phát từ nỗi lo không chính đáng này.
Theo lý giải của TS Vũ Thành Tự Anh trên một bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, mặc dù CPI tháng 10 giảm nhưng CPI của 10 tháng đầu năm 2008 so với cùng kỳ năm 2007 vẫn ở mức rất cao 23,15%, do đó, lạm phát mới là mối lo lớn chứ không phải là giảm phát. Hơn nữa, đóng góp trong CPI trong tháng 10, chỉ có 3 mặt hàng giảm giá (ăn và dịch vụ ăn uống, nhà ở và vật liệu xây dựng, và phương tiện đi lại, bưu điện) và giảm nhờ yếu tố khách quan, thời vụ (giá dầu thế giới giảm mạnh, vụ hè thu thắng lợi). điều này có nghĩa là sự giảm nhẹ của CPI thiếu tính bền vững. Hơn nữa, nguyên nhân chủ yếu của giảm phát là do tổng cầu sụt giảm, kéo theo suy thoái kinh tế (tốc độ tăng trưởng âm) và thất nghiệp. Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam sẽ thấy rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2008 ước đạt 6,5% thì tuy nền kinh tế đã tăng trưởng chậm lại nhưng chưa hề có dấu hiệu suy thoái, tức là chưa có tình trạng giảm phát.
Trao đổi với PV NĐBND Thứ Bảy bên hành lang kỳ họp QH, TS Cao Sỹ Kiêm cũng có những lập luận tương tự. Theo ông, để xác định giảm phát có 2 vấn đề: giá liên tục giảm và GDP liên tục giảm. Nếu GDP giảm sẽ dẫn đến sản xuất trì trệ, làm giảm sức mua. Mức tăng trưởng hiện tại của Việt Nam vẫn đảm bảo tạo nên việc làm, thu nhập và tiêu dùng. “Theo tôi thời điểm này vẫn chưa có vấn đề gì phải quá lo ngại về vấn đề giảm phát. Tuy nhiên cũng phải chú ý nếu để các doanh nghiệp nhỏ và vừa suy sụp, phá sản hàng loạt thì sẽ kéo theo giảm tăng trưởng rất nhanh, thậm chí xuống mức âm. Nếu mức tăng trưởng xuống âm thì lúc đó vấn đề giảm phát là nghiêm trọng. Khi đó việc chống giảm phát sẽ khó hơn nhiều so với chống lạm phát”, TS Kiêm nói.