Báo cáo với Đoàn giám sát, UBND quận Đống Đa cho biết, toàn quận hiện có 82 trường học trực thuộc với 62 trường công lập. Trong đó, 38 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 61,29%).
Thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo quận đã triển khai các giải pháp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, bảo đảm cơ sở vật chất phòng học, phòng chức năng; trang thiết bị đồ dùng dạy học được trang bị, mua sắm, tự thiết kế, tự làm tương đối đầy đủ. Kế hoạch giáo dục của các nhà trường linh hoạt, chủ động, hiệu quả, phù hợp; tổ chức dạy đúng, đủ các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc theo chương trình, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học...
Việc lựa chọn sách giáo khoa công khai minh bạch theo quy định, bảo đảm cung ứng cho việc học tập, giảng dạy. Học sinh được tiếp cận với chương trình mới, sách giáo khoa mới kết hợp với điều chỉnh, bổ sung nội dung dạy học góp phần đạt được mục tiêu, chất lượng giáo dục được nâng lên.
UBND quận Đống Đa cũng chỉ ra một số khó khăn trong triển khai thực hiện các Nghị quyết như: Kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên việc mua sắm thiết bị dạy học theo hướng tích cực, hiện đại còn nhiều hạn chế; việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, việc thiếu giáo viên có đủ kiến thức, năng lực dạy các môn học liên môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật ở cấp học THCS, nhất là môn Nghệ thuật; khối lượng kiến thức và việc tổ chức các hoạt động giáo dục từ lớp 1 trở lên vẫn còn nhiều, chưa giảm so với yêu cầu giảm nhẹ kiến thức khoa học, hàn lâm cho học sinh. Mặt khác, tính liên thông về chất lượng sách sẽ không ổn định khi hàng năm có nhiều bộ sách để lựa chọn thực hiện.
Quận Đống Đa kiến nghị, Chính phủ có chính sách cải thiện về lương của nhà giáo trong hệ thống quốc dân; Quốc hội có giải pháp hỗ trợ về giá sách giáo khoa cho học sinh... Đối với TP. Hà Nội, quận đề nghị thành phố quan tâm bố trí nguồn lực, tạo điều kiện cho công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn bảo đảm trình độ đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019; phân bổ đủ biên chế theo định mức và tổ chức tuyển dụng giáo viên, nhân viên kịp thời phục vụ thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa; cần có bản in tài liệu giáo dục địa phương để giáo viên và học sinh chủ động trong công tác giảng dạy.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, ĐBQH TP Hà Nội ghi nhận sự quan tâm, vào cuộc quyết tâm, quyết liệt của chính quyền địa phương. Các trường học nhận thức đầy đủ, nắm rõ tinh thần của các Nghị quyết, làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Bộ trưởng nhấn mạnh, vấn đề đổi mới quản trị các cơ sở giáo dục đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy của nhà quản lý, cách quản lý, quản trị nhà trường. Đặc biệt, đội ngũ nhà giáo cần có sự đổi mới về thái độ, tư duy và phương pháp dạy học bởi đây là khâu có tính chất quyết định để đánh giá ngắn hạn kết quả đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung, tài liệu cho buổi làm việc của quận Đống Đa. Đoàn giám sát ghi nhận việc quận Đống Đa đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và có sự đầu tư ngân sách lớn cho giáo dục; việc lựa chọn sách giáo khoa trên địa bàn không có sự áp đặt, gợi ý đối với các nhà trường.
Trong thời gian tới, quận Đống Đa cần tập trung tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Cùng với đó, bảo đảm điều kiện ban đầu cho giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ; liên thông quy hoạch của giáo dục với quy hoạch đất đai để bố trí địa điểm các trường học.