Thương mại hàng hóa sáng tạo tăng hơn 9%/năm
Theo Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Anh Dương, khái niệm kinh tế sáng tạo đã được phát triển và hoàn thiện trong suốt những thập kỷ vừa qua. Các khái niệm đều đặt trọng tâm vào những ngành công nghiệp và dịch vụ sáng tạo, gắn với các chu kỳ sáng tạo, sản xuất, phân phối và tiêu thụ (bao gồm cả xuất khẩu) hàng hóa và dịch vụ sử dụng tính sáng tạo và tài sản trí tuệ làm đầu vào chính.
Dẫn thống kê của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), ông Dương cho biết, trên bình diện toàn cầu, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sáng tạo đều giữ xu hướng tăng. Theo đó, giai đoạn 2011 - 2020, quy mô thị trường toàn cầu cho hàng hóa sáng tạo đã tăng trung bình 2,28%/năm; năm 2021 tăng tới 16,56%; tổng xuất khẩu dịch vụ sáng tạo toàn cầu tăng 8,14%/năm trong giai đoạn này.
Đáng chú ý, việc sử dụng các công nghệ mới trong Cách mạng công nghiệp 4.0 (AR/VR, AI, in 3D…) đã mở ra những cơ hội mới cho nền kinh tế sáng tạo. Các công nghệ đột phá đã giúp các ngành công nghiệp sáng tạo trở thành một lĩnh vực có thể đầu tư ở nhiều thị trường mới nổi. Số hóa cũng có thể tác động tích cực đối với việc bảo vệ tài sản sáng tạo.
Việt Nam bước đầu đã có nỗ lực tiếp cận các ngành công nghiệp và dịch vụ sáng tạo. Theo thống kê của UNCTAD, thương mại hàng hóa sáng tạo cũng có xu hướng gia tăng, với tốc độ 9,23%/năm trong giai đoạn 2011 - 2020. Việt Nam đứng thứ 8 trong số các nhà xuất khẩu hàng hóa sáng tạo lớn nhất vào năm 2020; nhập khẩu tăng trung bình 7,99%/năm. Xét theo ngành công nghiệp và dịch vụ sáng tạo, thiết kế là ngành xuất khẩu nhiều nhất trong suốt giai đoạn 2002 - 2020, đạt hơn 11,9 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 84,36% tổng xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của Việt Nam.
Cũng theo đại diện CIEM, Việt Nam đã bước đầu có khung chính sách liên quan đến phát triển kinh tế sáng tạo. Các nhóm chính sách hiện có đã bao gồm cả các chính sách chung và chính sách cụ thể đối với một số ngành, như nghệ thuật biểu diễn (Nghị định số 144/2020/NĐ-CP, Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg, Quyết định 1909/QĐ-TTg năm 2021); ngành phát thanh và truyền hình (Quyết định số 512/QĐ-BTTTT; Chiến lược phát triển lĩnh vực trò chơi điện tử trên mạng (game online) giai đoạn 2022 - 2027; Luật Công nghệ thông tin 2006… Một số chính sách, quy định đã được hoàn thiện và đáp ứng rất tốt yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế sáng tạo, chẳng hạn quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ đã được hoàn thiện phù hợp với các cam kết quốc tế và các thông lệ quốc tế tốt nhất.
Không cần thiết ban hành luật riêng về kinh tế sáng tạo
Tại hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Phát triển kinh tế sáng tạo: xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam” mới đây, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, cho rằng: để hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, việc duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao là một điều kiện tiên quyết. Trong bối cảnh đang phải đối diện thách thức lớn khi mô hình tăng trưởng truyền thống dựa trên gia tăng vốn, lao động phổ thông, đất đai, tài nguyên thiên nhiên đã chạm ngưỡng giới hạn, “chúng ta phải không ngừng đổi mới, cả về tư duy, cách làm và mô hình để “sáng tạo” ra những không gian mới cho tăng trưởng kinh tế”. Hàm ý ở đây chính là cần phải thúc đẩy kinh tế sáng tạo phát triển.
Theo các chuyên gia của CIEM, Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển kinh tế sáng tạo. Đó là có di sản văn hóa phong phú và đa dạng; dân số trẻ, năng động và thành thạo công nghệ; những thay đổi chính sách tích cực đối với các mô hình kinh tế mới. Dù vậy, một số điểm yếu là hạn chế cố hữu về nguồn vốn, đặc biệt là trong các lĩnh vực sáng tạo truyền thống; thiếu nhiều kỹ năng liên quan đến kinh tế sáng tạo ở không ít nhóm chủ thể sáng tạo (đặc biệt là người trung niên và người cao tuổi, phụ nữ, các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn), cùng những bất cập về kết cấu hạ tầng “cứng” và “mềm” cho phát triển kinh tế sáng tạo.
Theo Viện trưởng CIEM, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của các nước trong phát triển kinh tế sáng tạo; coi trọng việc xây dựng, hoàn thiện thể chế và chính sách phát triển kinh tế sáng tạo, gắn với tạo không gian, động lực và sự yên tâm cho các chủ thể sáng tạo. Cùng với đó, tăng cường đầu tư vào kết cấu hạ tầng và công nghệ số; tăng cường phát triển giáo dục và đào tạo kỹ năng; thúc đẩy hợp tác và kết nối; tiếp tục phát triển thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm sáng tạo của Việt Nam.
Đồng tình với khuyến nghị của các chuyên gia CIEM, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, cho rằng, thể chế và chính sách giữ vai trò thiết yếu đối với phát triển kinh tế sáng tạo. “Mặc dù chúng ta rất cần có thêm những chính sách, quy định rõ ràng nhằm tạo không gian, động lực và sự yên tâm cho các chủ thể sáng tạo, nhưng không nên bằng cách xây dựng luật mới riêng về kinh tế sáng tạo".
TS. Lê Duy Bình cho rằng, kinh tế sáng tạo sẽ phát triển mạnh mẽ nếu các luật hiện hành "bao dung" với các ý tưởng mới, ý tưởng sáng tạo, những thử nghiệm mới và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ - trong đó quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và trở thành hàng hóa. Điều này có thể đạt được thông qua việc thực thi đúng các quy định hiện hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để phù hợp hơn và thống nhất trong hệ thống pháp luật. "Ví dụ, trong lĩnh vực văn hóa, cần có quy định khuyến khích tư nhân đầu tư xây dựng bảo tàng... Các tư tưởng bao dung, khuyến khích thử nghiệm cái mới, hay các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát phải được thể hiện trong tất cả các luật, quy định trong các lĩnh vực như điện ảnh, công nghệ thông tin, văn hóa, giải trí…”, TS. Lê Duy Bình nói.