Tăng quyền tiếp cận nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số

Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 giai đoạn I đặt mục tiêu từ năm 2021 - 2025, 90% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Nỗ lực đưa nước sạch đến đồng bào

Theo đó, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán (ưu tiên hỗ trợ để mua sắm trang bị hoặc xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình); hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung: Đầu tư xây dựng công trình nước tập trung theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (ưu tiên cho người dân vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao chưa có nguồn nước hoặc thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh)…

Thực hiện Dự án, tùy điều kiện thực tế của từng địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi đã được thụ hưởng từ chính sách thiết thực này. Chẳng hạn, trước đây, những hộ nghèo, cận nghèo tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên không có điều kiện mua téc nước thường sử dụng bể xi-măng, chum, vại, xô, chậu… để tích trữ nước sinh hoạt, nay nhiều hộ dân ở tổ dân phố Bãi Á, thị trấn Chợ Chu được hỗ trợ téc nước. Giai đoạn 2021 - 2023, đã có 881 hộ được hỗ trợ téc nước, 36 hộ được hỗ trợ đào giếng, 15 hộ được hỗ trợ đường ống dẫn nước, 2 hộ được hỗ trợ xây dựng bể chứa nước.

Cũng từ nguồn vốn của Dự án, cuối năm 2022, công trình nước sinh hoạt của bản Hát Sét, xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã được đưa vào sử dụng bảo đảm nước sinh hoạt cho 120 hộ dân. Cuối năm nay, dự kiến công trình cấp nước liên bản xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn sẽ được đưa vào sử dụng, bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 1.100 hộ của các bản Vựt Bon, Cơi Quỳnh, Cuộm Sơn, Dăm Hoa.

Hay, tại Quảng Ngãi, 10 công trình cấp nước sinh hoạt đã đến với người dân; 33 công trình cấp nước sinh hoạt đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, đạt hơn 70% khối lượng...

Lồng ghép các nguồn lực

Liên quan đến nước sạch cho người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã có nhiều chương trình, dự án trong và ngoài nước. Có thể kể đến Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn qua 3 giai đoạn, từ năm 1998 - 2015; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình 30a… ; Quyết định số 1553/QĐ-TTg Phê duyệt điều chỉnh Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước… Gần đây nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 

Đến nay, Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước đã được triển khai trên địa bàn 41 tỉnh, với 325 vùng được điều tra đánh giá. Trong đó, khu vực Bắc Bộ có 147 vùng được đánh giá tại 15 tỉnh; khu vực Bắc Trung Bộ có 32 vùng được điều tra, đánh giá tại 5 tỉnh; Nam Trung Bộ có 48 vùng được điều tra, đánh giá ở 7 tỉnh; 4 tỉnh khu vực miền Tây có 55 vùng được đánh giá. Đây là những căn cứ khoa học quan trọng để triển khai việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Dù nhiều chương trình đã được thực hiện, chưa tính đến các dự án hỗ trợ của quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, song tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, cũng như được tiếp cận nguồn nước còn thấp. Tính đến cuối năm 2021, tỉnh Hoà Bình có 95,38% người dân nông thôn vùng dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhưng mới có 50,2% hộ sử dụng nước đáp ứng quy chuẩn Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đề ra tại Dự án 1, tỉnh dự kiến triển khai hỗ trợ 11.408 hộ về nước sinh hoạt phân tán và 120 công trình nước sinh hoạt tập trung cho khoảng 4.300 hộ hưởng lợi.

Một khối lượng công việc lớn cần phải hoàn thành, nhất là khi việc thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào vùng nông thôn, miền núi còn khó khăn. Bởi, liên quan đến cơ chế vận hành và chi phí, lợi ích của nhà đầu tư. Thực tế do đặc thù các xã, thị trấn vùng dân tộc thiểu số và miền núi  rộng, dân cư sống phân tán, nên việc đầu tư công trình khó đạt lợi nhuận như mong muốn. Chưa kể tình trạng các công trình đã đưa vào sử dụng nhưng khâu vận hành, quản lý còn hạn chế, không phát huy được hiệu quả, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa có mật độ dân cư thưa thớt và người dân chưa ý thức được việc tiết kiệm nước sạch.

Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng các địa phương cần chủ động lồng ghép các nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho các xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi các trạm xử lý nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế; đồng thời chú trọng khâu tuyên truyền sử dụng nước sạch, tiết kiệm.

Theo Dự án 1, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình cấp nước đặc thù cho các vùng khó khăn, khan hiếm về nguồn nước, vùng có địa hình, địa chất phức tạp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang, ven biển, biên giới, hải đảo; sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các công trình cấp nước hiện có đáp ứng yêu cầu chất lượng nước, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ứng phó thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.

Xã hội

Nghị Định 168: Bước tiến quan trọng để xây dựng môi trường giao thông văn minh, hiện đại
Giao thông

Nghị Định 168: Bước tiến quan trọng để xây dựng môi trường giao thông văn minh, hiện đại

Giao thông vận tải là mạch máu của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của quốc gia. Tuy nhiên, thực trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam vẫn còn là một thách thức lớn, gây thiệt hại không chỉ về con người mà còn về kinh tế và xã hội. Trước tình hình nêu trên, việc áp dụng Nghị định 168/2024/NĐ-CP (Nghị định 168) là vô cùng cần thiết để tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật giao thông, và bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

Giả mạo nhân viên thu tiền điện nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Đời sống

Giả mạo nhân viên thu tiền điện nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thời gian gần đây xuất hiện hàng loạt các đối tượng xấu giả mạo nhân viên điện lực để lừa đảo người dân. Những đối tượng này thường sử dụng phương thức gọi điện hoặc nhắn tin qua Zalo, SMS để yêu cầu người dân thanh toán tiền điện ngay lập tức, đồng thời đe dọa sẽ cắt điện nếu không thanh toán.

Sau sắp xếp, hệ thống kho bạc sẽ hoạt động thông suốt ngay và tốt hơn
Xã hội

Sau sắp xếp, hệ thống kho bạc sẽ hoạt động thông suốt ngay và tốt hơn

Thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kho bạc Nhà nước (KBNN) hiện nay. “Chúng tôi quyết tâm thực hiện với mục tiêu: hệ thống Kho bạc sau khi sắp xếp sẽ hoạt động thông suốt ngay và tốt hơn, không ảnh hưởng đến việc phục vụ khách hàng”, Phó Tổng Giám đốc KBNN Trần Thị Huệ cho biết.