Khuyến khích sắp xếp đơn vị hành chính không thuộc diện bắt buộc
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24.11.2017 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12.3.2019 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.
Tiếp đó, trên cơ sở Báo cáo của Đoàn giám sát về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW, ngày 30.1.2023, về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Từ những kết quả đạt được trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng về nội dung này, thì việc Chính phủ xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 là cần thiết.
Dự thảo Nghị quyết gồm 4 chương, 25 điều với các nội dung cơ bản. Trong đó, quy định rõ, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời, khuyến khích việc sắp xếp đơn vị hành chính không thuộc diện bắt buộc sắp xếp; các trường hợp không bắt buộc thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2030 do có các yếu tố đặc thù.
Về nguyên tắc sắp xếp, dự thảo Nghị quyết quy định 6 nguyên tắc, trong đó cơ bản kế thừa các nguyên tắc tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14. Đồng thời, chỉnh lý theo hướng khẳng định nguyên tắc sắp xếp phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị hoặc các quy hoạch khác có liên quan…
Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết còn quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp; trình tự, thủ tục, hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030…
Đơn vị hành chính sau sắp xếp phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết về phạm vi các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030; các trường hợp không bắt buộc sắp xếp do có yếu tố đặc thù; tán thành 6 nguyên tắc cơ bản được nêu trong dự thảo Nghị quyết.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất giữa nguyên tắc sắp xếp với các trường hợp không bắt buộc sắp xếp và tiêu chuẩn của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.
Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính sau sắp xếp. Như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đó là các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định. Trừ trường hợp nhập từ 3 đơn vị hành chính cùng cấp trở lên hoặc có yếu tố đặc thù về văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, cộng đồng dân cư, điều kiện địa lý tự nhiên mà không thể nhập, điều chỉnh thêm với đơn vị hành chính cùng cấp khác.
Phát biểu tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành việc ban hành Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, hồ sơ và dự thảo Nghị quyết đã đáp ứng được đầy đủ các điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải đạt được nhiều mục tiêu, đó là giảm cho được số đơn vị hành chính, góp phần tinh gọn tổ chức, bộ máy, biên chế, giảm chi tiêu cho ngân sách nhà nước. Và quan trọng nhất là tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, trong quá trình quán triệt và tổ chức triển khai, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ luôn phải lưu tâm các mục tiêu này.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc xem xét, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn để đáp ứng các yêu cầu, khẩn trương triển khai công việc này theo các kết luận của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Về một số nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính và tiêu chuẩn của đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau sắp xếp; tiêu chí, tiêu chuẩn sắp xếp đơn vị hành chính… Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc làm trong giai đoạn này cần tính đến giai đoạn sau để tránh vướng mắc. Đồng thời đề nghị, cần lập đề án riêng khi nhập toàn bộ hoặc một phần đơn vị hành chính nông thôn liền kề vào một đô thị liền kề để thành lập đơn vị hành chính đô thị mới, kể cả việc thành lập thành phố trực thuộc thành phố.
Về chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính sau sắp xếp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải bảo đảm tính liên tục, không vì sắp xếp mà thay đổi chế độ, chính sách. Đồng thời, không vì chế độ, chính sách mà làm ảnh hưởng đến công tác sắp xếp đơn vị hành chính cũng như đời sống của cán bộ, Nhân dân và nguồn lực phát triển của các đơn vị hành chính, kể cả trước và sau sắp xếp.
Về trách nhiệm của các cơ quan, đặc biệt là Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần đề cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.