Hỗ trợ giống, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới
Để hỗ trợ các dự án, kế hoạch sản xuất cộng đồng, liên kết chuỗi giá trị trên địa bàn, tại Kỳ họp thứ 22, các đại biểu nhất trí cao thông qua Nghị quyết quy định nội dung hỗ trợ dự án, kế hoạch liên kết theo chuỗi giá trị; dự án, phương án, dịch vụ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Nghị quyết quy định nội dung hỗ trợ dự án, kế hoạch liên kết theo chuỗi giá trị; dự án, phương án, dịch vụ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia trong quản lý, thực hiện nội dung hỗ trợ dự án, kế hoạch liên kết theo chuỗi giá trị; dự án, phương án, dịch vụ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Bao gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Ban Dân tộc; UBND các huyện, thị, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan.
Theo đó, đối với các dự án, kế hoạch liên kết theo chuỗi giá trị thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững…), thực hiện các nội dung hỗ trợ theo quy định, hướng dẫn của Trung ương, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh. Đơn cử, hỗ trợ về vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm, cung ứng dịch vụ, giống cây trồng, vật nuôi; chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi; xây dựng đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm; các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; tư vấn xây dựng liên kết, chi phí khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển chuỗi giá trị; tư vấn xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, quy trình kỹ thuật, đánh giá thị trường, phương án phát triển sản xuất thị trường…
Đối với các dự án, phương án, dịch vụ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật theo nhu cầu của các thành viên tổ nhóm, nâng cao năng lực quản lý và vận hành tổ nhóm; vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ, giống cây trồng, vật nuôi; quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; truy xuất nguồn gốc và dán nhãn sản phẩm; chi xây dựng, quản lý dự án.
Xây dựng cơ sở hạ tầng tưới tiêu hiện đại thích ứng biến đổi khí hậu
Nhằm tăng cường khả năng thích ứng, chống chịu với biến đổi khí hậu, tại Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh Gia Lai đã thông qua Nghị quyết về chấp thuận phương án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và nguồn trả nợ đầu tư Dự án Hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai (ADB9), nhà tài trợ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), với tổng mức đầu tư 440,036 tỷ đồng, tương đương 18,999 triệu USD.
Dự án được thực hiện với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng tưới tiêu hiện đại thích ứng biến đổi khí hậu; áp dụng các biện pháp quản lý nước hiệu quả ở nội đồng. Nhằm tăng cường khả năng thích ứng với hạn hán, lũ lụt và chống chịu với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu quả thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững thông qua đầu tư hiện đại hóa thủy lợi, nâng cao hiệu quả của dịch vụ quản lý tưới, kỹ thuật tưới và hoạt động của hệ thống công trình thủy lợi.
Việc xử lý trả nợ gốc, lãi và các khoản phí liên quan khoản vay của chính quyền địa phương được thực hiện theo quy định của Chính phủ tại Điều 11, Điều 12 Nghị định số 93/2018/NĐ-CP ngày 30.6.2018. Do đó, khi dự án được thẩm định vay lại và đàm phán ký hiệp định vay, hàng năm địa phương sẽ cân đối bố trí nguồn trả nợ gốc vay, lãi, phí và các chi phí liên quan theo quy định. Trường hợp không bảo đảm trả nợ gốc, lãi vay theo quy định, địa phương sẽ bố trí dự toán chi đầu tư phát triển trong cân đối để tạo nguồn trả nợ gốc đến hạn theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 93/2018/NĐ-CP.
Về khả năng vay lại của tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh chịu trách nhiệm rà soát mức dư nợ vay của ngân sách địa phương tại thời điểm đề nghị vay lại, không vượt quá hạn mức dư nợ của ngân sách địa phương, theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; bảo đảm chính xác về số liệu trong phương án sử dụng vốn vay, phương án vay lại và trả nợ vay khi đàm phán hiệp định.