Hội nghị Mini IDEC do Văn phòng DEA khu vực Viễn Đông (DEA) tổ chức, có sự tham dự của 80 đại biểu đến từ 13 nước khu vực Viễn Đông là Úc, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philipines, Việt Nam, New Zealand, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Hội nghị Mini IDEC năm nay tập trung vào 4 chủ đề chính là: Quản lý tiền chất có hiệu quả, ngăn chặn thất thoát tiền chất để sản xuất ma tuý tổng hợp; đấu tranh với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; phòng, chống rửa tiền từ hoạt động mua bán trái phép chất ma tuý và đấu tranh với các đường dây tội phạm có tổ chức ở Mexico.
Theo nhận định của Giám đốc DEA khu vực Viễn Đông John P.Scott, ma tuý là vấn đề toàn cầu, đấu tranh với tội phạm ma tuý là trách nhiệm chung của các quốc gia trên thế giới và khu vực. Do đó, các nước cần thể hiện vai trò của mình trong đấu tranh với tội phạm ma tuý, tích cực trao đổi, chia sẻ thông tin với các nước và đối tác trong khu vực.
Ông John P.Scott cũng cho biết, DEA cam kết chia sẻ trách nhiệm và hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật trên toàn thế giới trong giải quyết vấn đề ma tuý thông qua tài trợ các khoá tập huấn nâng cao năng lực cho sĩ quan hành pháp phòng, chống ma tuý về kĩ, chiến thuật, tác chiến, cứu thương…; tài trợ trang thiết bị, phương tiện phòng, chống ma tuý.
Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh hợp tác song phương, đa phương với lực lượng hành pháp các nước trong khu vực, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện đã chia sẻ về tình hình, kết quả công tác phòng, chống ma tuý của Việt Nam và những đề nghị hợp tác trong thời gian tới.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện cho biết: Thế giới và khu vực đang đối mặt với diễn biến phức tạp của tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép và lạm dụng chất ma túy. Kể từ năm 2010 đến nay, số lượng người sử dụng ma túy trên thế giới vẫn không ngừng tăng lên và chưa có dấu hiệu giảm. Diện tích gieo trồng cây thuốc phiện trên toàn cầu hiện nay cũng lớn hơn rất nhiều so với một thập kỷ trước. Các chất kích thích dạng amphetamine và các chất hướng thần mới xuất hiện ngày các nhiều với những biến thể phức tạp, khó kiểm soát, tiếp tục thách thức nỗ lực của lực lượng phòng, chống ma túy các nước trên thế giới, đe doạ đến an ninh, sức khỏe và hạnh phúc của mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Đây là một thách thức lớn đặt ra đối với thế giới nói chung và khu vực nói riêng trong giải quyết vấn đề này.
Trước thách thức chung của thế giới về vấn đề ma túy, Chính phủ Việt Nam quan tâm và chỉ đạo một cách quyết liệt. Trên tầm vĩ mô, Việt Nam đề ra Chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy tầm nhìn đến năm 2030 và trong những năm qua Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: Duy trì, đẩy mạnh hợp tác song phương, đa phương với lực lượng hành pháp các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới; Nâng cao năng lực cho lực lượng hành pháp phòng, chống ma túy của Việt Nam với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, đặc biệt là DEA; Đẩy mạnh công tác kiểm soát, phòng ngừa thất thoát tiền chất; Tích cực tham gia các diễn đàn đa phương phòng, chống ma túy trong khu vực và trên thế giới.
Về công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, Việt Nam đã triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên các tuyến và địa bàn trọng điểm, đặc biệt tại khu vực biên giới, cửa khẩu và cảng biển. Bên cạnh đó, đã tổ chức huy động sự tham gia của toàn xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống ma túy thông qua các cuộc vận động, phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự.
"Ma túy là vấn đề nhức nhối toàn cầu, do vậy để ngăn chặn tội phạm và tệ nạn ma túy cần sự chung tay, hợp sức của các quốc gia. Quan điểm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam là kiên quyết trấn áp, không khoan nhượng với tội phạm ma túy"- Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện nhấn mạnh.
Bên lề hội nghị, Đoàn đại biểu Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã gặp và chia sẻ thông tin về công tác phòng, chống ma túy với đoàn đại biểu các nước Indonesia, Campuchia, Thái Lan, Philipines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ.