Những không gian văn hóa tích hợp
Tối 10.5, tại Hội quán Phúc Kiến, 40 phố Lãn Ông, Hà Nội, đã khai mạc trưng bày “Giới thiệu phố nghề Đông Nam dược Lãn Ông”, nằm trong dự án “Chuyện đình trong phố”. Với dự án này, nhóm nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn đã đưa nghệ thuật vào các ngôi đình như: Hà Vỹ, Tú Thị, Trung Yên, Yên Thái, Nam Hương, Phả Trúc Lâm… góp phần phát huy giá trị văn hóa di sản trong đời sống đô thị đương đại.
Trước đó, Hội quán Quảng Đông, 22 Hàng Buồm, Hà Nội, đã được trùng tu và trở thành Trung tâm Văn hóa nghệ thuật. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng đã mang tới đời sống mới cho các công trình kiến trúc xưa như đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào, trở thành nơi giới thiệu sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ đặc sắc; ngôi nhà 50 Đào Duy Từ, Hà Nội - nơi từng là rạp hát Lạc Việt, 1 trong 2 rạp hát lớn nhất Hà Nội thế kỷ XX (bị phá hủy từ cuối thập niên 1980) được xây dựng giữ lại đường nét hình dáng của công trình cũ và trở thành Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ với mục tiêu quảng bá các giá trị di sản...
![Tận dụng ưu thế, tối ưu hóa tiềm năng ảnh 1 Nhiều di sản trở thành không gian dành cho sáng tạo. Ảnh: H. Sen](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/de2ce54bdb7a59a5f7ed9fad7e3b3f20929389c40229fce9538eec785eb3ed43ebdbe07f3f02d3c75f70104d67b897da68a253ef8f6ff8e98ae864d6fd72bf6d/vm3-1699964236406.jpg)
Là giám tuyển dự án “Chuyện đình trong phố” cũng như nhiều dự án nghệ thuật công cộng, thực hiện các triển lãm nghệ thuật tại Hà Nội, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, những di sản kiến trúc trong đô thị như đình thờ tổ nghề trong phố cổ có câu chuyện đặc biệt từ văn hóa, lịch sử, nghệ thuật. Bởi vậy, dự án nghệ thuật này hướng tới làm cho ngôi đình có sức sống, ý nghĩa hơn trong đời sống đương đại. Những ngôi đình cần thiết chuyển đổi trở thành ngôi nhà chung, không gian chia sẻ, không chỉ giữa người làm nghề ở khu phố, mà còn thu hút cộng đồng cư dân thành phố, du khách trong nước, quốc tế.
"Bởi vậy, cần có câu chuyện, nội dung, cách tiếp cận thú vị hơn. Thông qua các dự án nghệ thuật tại các ngôi đình là cách kết hợp 2 trong 1, vừa phát huy, quảng bá giá trị của công trình kiến trúc, câu chuyện văn hóa, vừa thông qua nghệ thuật hiện đại thu hút và đáp ứng nhu cầu của công chúng” - nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nói.
Những không gian tích hợp như vậy cũng đang xuất hiện tại các nhà cổ hay di tích, như Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Gần đây, Nhà Thái Học và Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là không gian lịch sử, văn hóa, tham quan du lịch, mà trở thành không gian sáng tạo cho nghệ sĩ trẻ có cơ hội giới thiệu tác phẩm...
"Mở cửa" cho tư nhân
Nghiên cứu về không gian sáng tạo, bà Trương Uyên Ly, Giám đốc Hanoi Grapevine, nhận thấy sự tham gia tích cực của phía nhà nước vào việc xây dựng các không gian di sản hay không gian công cộng trở thành các không gian văn hóa sáng tạo. Các không gian này góp phần đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, phát triển xã hội một cách bền vững.
Thiết chế văn hóa không phải là “lãnh địa công”. Theo bà Trương Uyên Ly, với những thiết chế hoạt động chưa hiệu quả hoặc chưa hết công suất, cần nhanh chóng có giải pháp mở cửa cho phía tư nhân tiếp cận và khai thác một cách an toàn và lâu dài. Các doanh nghiệp hay nhóm/cá nhân trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo có lợi thế về năng lực kinh doanh, năng lực quản trị, sự linh hoạt, nhanh nhạy, có bề dày hoạt động hướng đến xây dựng các giá trị cộng đồng, hoàn toàn có thể phát triển và tối ưu hóa một cách hài hòa những giá trị và tài nguyên mà nhiều thiết chế văn hóa chưa khai thác hết.
Tuy nhiên, để tư nhân có thể tham gia phát triển và tối ưu hóa tiềm năng của các thiết chế văn hóa, cần tìm cách gỡ bỏ rào cản pháp lý. Đó là các thủ tục phức tạp được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/20217/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trong khi chờ sửa đổi luật, bà Trương Uyên Ly gợi ý: tại Điều 39 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), một điểm đáng chú ý là Thủ đô có thể được phép áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực để tạo đột phá về giá trị và hiệu quả, trong đó có mô hình khu phát triển thương mại và văn hóa ở một số địa điểm có tiềm năng, lợi thế về thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa. Như vậy, có thể xem xét khảo sát và đánh giá một số thiết chế văn hóa hiện có ở Thủ đô (không phải tất cả) có tiềm năng lợi thế ứng dụng thử nghiệm mô hình mới có sự tham gia của tư nhân (một cách chính thức hơn) để tạo ra giá trị.
Thiết chế văn hóa dù là thuộc về Nhà nước hay tư nhân, có những lợi thế và đặc điểm hay cơ hội riêng để phát triển trở thành những không gian văn hóa sáng tạo. Bởi vậy, theo bà Trương Uyên Ly, “cần nhìn nhận và hành động một cách linh hoạt, cởi mở, công bằng và có những ưu đãi nhất định để trao đổi và tận dụng các ưu thế nhằm tối ưu hóa tiềm năng phát triển của các thiết chế văn hóa trong xu thế phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo toàn cầu”.