Từ trang giấy đến màn hình
Nếu như trước đây, văn hóa đọc gắn liền với hình ảnh những trang sách in thơm mùi giấy mực, thì nay, với sự phát triển của internet và các thiết bị di động thông minh, sách điện tử (ebook), sách nói (audiobook) và các ấn phẩm số đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong thói quen đọc sách của nhiều người.
Sự phát triển của xuất bản số, sự phong phú và đa dạng của tài nguyên thông tin số trên internet đóng vai trò quan trọng nuôi dưỡng và phát triển văn hóa đọc. Theo Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: chuyển đổi số trong ngành xuất bản đa dạng hóa sản phẩm, hình thức xuất bản, đặc biệt là sự gia tăng nhanh chóng của xuất bản phẩm điện tử/xuất bản phẩm số. Các sản phẩm xuất bản kỹ thuật số chủ yếu bao gồm: báo số, tạp chí số, tài liệu gốc trực tuyến, xuất bản phẩm giáo dục trực tuyến, bản đồ trực tuyến, sách điện tử…

Theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành về hoạt động xuất bản, phát hành năm 2023 cho thấy, 24/57 nhà xuất bản đã tham gia xuất bản và phát hành điện tử chiếm 42,1% tổng số nhà xuất bản, đưa tỷ lệ xuất bản điện tử tổng số xuất bản phẩm đạt 15,3%, xuất bản ứng dụng công nghệ mới tăng mạnh, đạt 4.000 xuất bản phẩm, tăng 19,4% với khoảng 36 triệu bản.
Hàng năm, số lượng nhà xuất bản tham gia phát hành điện tử ngày một tăng, cung cấp được nhiều xuất bản số, sách điện tử, sách nói, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần phát triển văn hóa đọc.
Bên cạnh đó, hầu hết thư viện công cộng cấp tỉnh đều tăng cường hoạt động chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu số bằng các cách khác nhau, như mua quyền truy cập, mua quyền khai thác dùng chung, chia sẻ, số hóa tài liệu… Bên cạnh đọc sách in, các thư viện còn cung cấp sách điện tử/ sách số.
Lĩnh vực thư viện đang đẩy mạnh phát triển thư viện điện tử/ thư viện số, tăng cường nguồn tài nguyên thông tin số, đáp ứng xu hướng thụ hưởng văn hóa đọc dựa trên nền tảng số, các định dạng điện tử/ số và phục vụ khai thác qua môi trường mạng internet…
Nền tảng vững chắc cho văn hóa đọc
Sức mạnh của xuất bản số và tài nguyên thông tin số nằm ở tính tiện lợi và khả năng tiếp cận vượt trội. Chỉ với thiết bị điện thoại thông minh hay máy tính kết nối internet, độc giả có thể dễ dàng tìm kiếm, mua và thưởng thức hàng nghìn cuốn sách ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào. Điều này đặc biệt hữu ích cho những người trẻ năng động, những người sống ở vùng sâu vùng xa hay những ai có quỹ thời gian eo hẹp.
Một ưu điểm không thể bỏ qua của xuất bản số chính là chi phí hợp lý. Việc loại bỏ các khâu in ấn, vận chuyển và lưu kho giúp giá thành sách điện tử thường thấp hơn so với sách in truyền thống, tạo điều kiện cho độc giả tiếp cận được nhiều đầu sách hơn mà không lo ngại về vấn đề tài chính.

Không chỉ dừng lại ở việc số hóa nội dung, xuất bản số còn mang đến những trải nghiệm đọc sách đa dạng và hấp dẫn hơn. Sự tích hợp của âm thanh, hình ảnh, video trong các ấn phẩm số tạo ra một không gian đọc tương tác, thu hút sự chú ý và tăng cường khả năng tiếp thu thông tin, đặc biệt đối với thế hệ độc giả trẻ. Sách nói trở thành người bạn đồng hành lý tưởng trong những chuyến đi hay khi làm việc nhà, còn sách tương tác khơi gợi sự tò mò và hứng thú khám phá tri thức.
Dù tiềm năng phát triển của xuất bản số và tài nguyên thông tin số là vô cùng lớn, Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít thách thức trên con đường thúc đẩy văn hóa đọc trong kỷ nguyên số. Đại diện Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện cho rằng: hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển ngành xuất bản còn phải tiếp tục hoàn thiện, nhất là những nội dung liên đến đổi mới cơ chế quản lý hoạt động xuất bản; xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử/ xuất bản phẩm số...
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hạ tầng công nghệ chưa đồng đều, thói quen đọc sách in, vấn nạn bản quyền và thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển xuất bản phẩm số là những rào cản cần được giải quyết.
Xuất bản số và tài nguyên thông tin số không chỉ là xu hướng mà còn là động lực mạnh mẽ để phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam. Với sự đổi mới không ngừng của công nghệ và những nỗ lực từ các bên liên quan, có thể kỳ vọng văn hóa đọc Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ.