Được phát động từ ngày 23.9.2024, với sự đồng hành của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cuộc thi vẽ tranh chủ đề "Thế giới quanh tôi" đã trở thành sân chơi nghệ thuật quy mô lớn, nơi chắp cánh cho những tài năng trẻ và nghệ sĩ khuyết tật trên khắp cả nước.

Cuộc thi có sự đồng hành của nhà tài trợ chính là hãng hàng không quốc tế Singapore Airlines. Theo Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam cuộc thi là minh chứng cho mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa Việt Nam và Singapore, đặc biệt trên lĩnh vực giao lưu văn hóa.
"Giải thưởng không chỉ tôn vinh những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, mà còn khẳng định các giá trị chung của 2 quốc gia như: sự đồng cảm, tinh thần hòa nhập và khát vọng đổi mới”, Đại sứ Jaya Ratnam nhấn mạnh.

Được khởi động từ cuối tháng 9.2024, cuộc thi vẽ tranh "Thế giới quanh tôi" mang đến sân chơi nghệ thuật giàu ý nghĩa dành cho những người đã và đang hoàn thành chương trình học tại các cơ sở đào tạo về lĩnh vực mỹ thuật, đang theo đuổi hành trình nghệ thuật tại Hà Nội (nhóm 1) và người khuyết tật là công dân Việt Nam, từ 12 - 35 tuổi (nhóm 2).
Không chỉ khuyến khích niềm yêu thích hội họa và phát triển tư duy sáng tạo, cuộc thi còn tạo cơ hội để tác phẩm của người khuyết tật lan tỏa tới cộng đồng.
Thử thách dành cho thí sinh là tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có nội dung gắn kết với các vấn đề liên quan đến thiên nhiên, môi trường, xã hội, thách thức toàn cầu hoặc xây dựng cộng đồng.
Các tác phẩm không chỉ phản ánh góc nhìn riêng của mỗi thí sinh mà còn truyền tải thông điệp tích cực, góp phần thay đổi nhận thức và khơi gợi suy ngẫm về thế giới quanh ta.

Sau 5 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 112 tác phẩm của 99 tác giả. Những tác phẩm nghệ thuật này đã chinh phục và kết nối với người xem, khắc họa câu chuyện thông qua nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu trên toan, cắt giấy, khắc gỗ, sơn mài và các loại giấy truyền thống...
Trong vai trò thành viên Hội đồng giám khảo, bà Wee Wei Ling, Giám đốc Hợp tác Bền vững, Lối sống và Tài sản của Tập đoàn Khách sạn Pan Pacific, bày tỏ ấn tượng sâu sắc trước số lượng bài dự thi năm nay tăng gấp đôi, đặc biệt là tinh thần tích cực của các thí sinh khuyết tật. Điều này cũng phần nào thể hiện thông điệp về trách nhiệm xã hội qua ba khía cạnh cốt lõi: con người, sự bền vững và nghệ thuật.
“Tôi thực sự được truyền cảm hứng bởi các họa sĩ khuyết tật tham gia cuộc thi. Mỗi bức tranh của các bạn không chỉ là sản phẩm của tài năng, mà còn là một câu chuyện về sự kiên cường vượt qua khó khăn. Tôi ấn tượng câu chuyện của em Huỳnh Thị Thảnh, cô gái vẽ tranh bằng chân. Thảnh khiến tôi nhận ra rằng nghệ thuật không có giới hạn, và sức mạnh tinh thần của con người có thể biến điều không thể thành có thể”, bà Wee Wei Ling nói.
14 gương mặt trẻ triển vọng đã được vinh danh với 14 tác phẩm nổi bật, mang đến thông điệp nhân văn và ý nghĩa. Họ là những người trẻ tài năng đến từ khắp vùng miền trên Tổ quốc, với nghị lực mãnh liệt, luôn sẵn sàng vượt qua nghịch cảnh khó khăn trong cuộc sống để vươn đến giấc mơ chinh phục đam mê nghệ thuật. Từ đam mê nghệ thuật ấy, họ tiếp tục lan tỏa giá trị đến với cộng đồng.

Như tác phẩm Long lanh của họa sĩ trẻ Nguyễn Thị Nhiên, hình ảnh giọt nước "long lanh" trên gương mặt lo âu của cô gái là tiếng chuông cảnh báo về hiện trạng nóng lên toàn cầu, một tương lai khắc nghiệt với băng tan, thiên tai và biển dâng. Bức tranh thay lời kêu gọi khẩn thiết: Hãy cùng nhau bảo vệ Trái Đất trước khi quá muộn.
Hay tác phẩm Nắng chiều Tam Cốc của họa sĩ Lại Thanh Quang khắc họa phong cảnh Tam Cốc - Bích Động - "vịnh Hạ Long trên cạn" và "Nam thiên đệ nhị động" nổi tiếng của Ninh Bình. Qua tác phẩm, tác giả gửi gắm tình yêu vẻ đẹp quê hương, đất nước, lan tỏa niềm tự hào và kêu gọi ý thức bảo vệ, gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc bằng ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình.