Đã chi 27,7 tỷ đồng hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao
Ngày 8.4.2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 558/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 - 2025.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, qua các năm triển khai, chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong các cấp Hội Nhà báo, trở thành sinh hoạt nghiệp vụ thường niên bổ ích với toàn thể hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao đã tạo được sự đồng thuận, gắn kết thi đua trong báo giới, tạo nên những tác phẩm có chiều sâu, phản ánh đậm nét mọi mặt của đời sống xã hội.
Theo thống kê từ năm 2021 - 2023, ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đối với Hội Nhà báo các địa phương là 27,7 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, Chương trình đã hỗ trợ trực tiếp cho trên 4.000 lượt tác giả là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam ở các địa phương và nhận được 4.263 tác phẩm báo chí chất lượng cao.

Từ kinh phí hỗ trợ đã giúp phóng viên có điều kiện đi thực tế dài ngày, phản ánh trung thực “hơi thở cuộc sống”, tạo bước đột phá về chất lượng tác phẩm. Nhiều bài viết giàu tính chiến đấu, tính giáo dục, định hướng tư tưởng chính trị cao, góp phần ổn định và phát triển xã hội, qua đó khẳng định rõ hơn vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của người cầm bút. Trong đó, có những tác phẩm báo chí chất lượng cao đã đoạt nhiều giải báo chí địa phương, giải báo chí của bộ, ngành, đoàn thể, đặc biệt là đoạt Giải báo chí Quốc gia…
Thách thức trong chuyển đổi số
Ngày 6.4.2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó yêu cầu các cơ quan báo chí tập trung phát triển các sản phẩm báo chí số.
Ông Nguyễn Đức Lợi nhận định chuyển đổi số báo chí là một khái niệm có nội hàm sâu rộng, liên quan đến các vấn đề về thể chế, cơ chế, chính sách của Nhà nước, vấn đề về kinh phí, nguồn nhân lực, quy trình sản xuất, hạ tầng, nền tảng số của các tòa soạn. Thách thức đặt ra là các cơ quan báo chí không còn độc quyền trong việc cung cấp thông tin do sự xuất hiện các mạng xã hội và hàng triệu trang thông tin cá nhân. Bên cạnh đó là sự thay đổi hành vi của công chúng - từ chỗ chỉ là người tiếp nhận thông tin một cách bị động, nay họ đã trở thành người chủ động tham gia sản xuất, cung cấp và chia sẻ thông tin.

Trong bối cảnh ấy, kinh tế báo chí ngày càng khó khăn khi chi phí ngày càng cao cho công nghệ làm báo hiện đại và đầu tư nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, do nguồn kinh phí hỗ trợ thấp cho nên mức hỗ trợ bình quân cho một tác phẩm còn rất ít. Việc hỗ trợ có tính dàn trải, mới tập trung vào những nguồn sáng tạo hiện có mà chưa chú trọng đến khâu bồi dưỡng tài năng trẻ, là gạch nối, là sự chuyển tiếp của thế hệ đi trước…
Đề xuất thành lập Quỹ Phát triển tài năng báo chí trẻ
Thời gian qua, chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao theo Quyết định 558/QĐ-TTg đã trở thành “cứu cánh” để giải quyết nhiều vấn đề. Song thực tế, việc triển khai Quyết định số 558/QĐ-TTg gặp khó khăn. Một số địa phương chưa giao kinh phí cho Hội Nhà báo tỉnh thực hiện công tác hỗ trợ, ảnh hưởng đến hiệu quả chương trình.

Ông Nguyễn Đức Lợi cho biết, đây không phải là yêu cầu mới vì các quy định đã có, nguồn kinh phí hỗ trợ tuy đã điều chỉnh tăng (khoảng 1,5 - 1,6 lần so với giai đoạn trước) nhưng vẫn ở mức thấp. Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin gay gắt, mức hỗ trợ bình quân cho một tác phẩm còn rất hạn chế.
Việc phân bổ kinh phí còn dàn trải, tập trung vào những đơn vị có sẵn nội lực, trong khi chưa đầu tư bài bản cho đào tạo tài năng trẻ - lực lượng kế cận quan trọng của nghề báo.
“Công tác hỗ trợ chưa được triển khai đồng bộ giữa Trung ương và địa phương, chưa có sự thống nhất trong cả nước. Nếu tiếp tục tình trạng này sẽ là trở ngại lớn cho việc hoạch định kế hoạch trung hạn để có thể sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có quy mô, tầm cỡ, có giá trị xứng đáng với tầm vóc của cách mạng và của cuộc sống”, ông Nguyễn Đức Lợi nói.
Nhiệm vụ đối với báo chí càng ngày càng nặng nề, khó khăn, với nhiều đặc thù mới, các cấp Hội Nhà báo và người làm báo trong cả nước rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước trong việc điều chỉnh mức kinh phí hỗ trợ có thêm nguồn kinh phí tiếp cận với phương thức tác nghiệp hiện đại trong bối cảnh chuyển đổi số và có điều kiện “dấn thân” tác nghiệp trong bối cảnh thiên tai, thảm họa hay dịch bệnh.
“Các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí và người làm báo trong cả nước đều có nguyện vọng chung mong muốn Nhà nước cho phép tiếp tục thực hiện và mở rộng Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao sang giai đoạn 2026 - 2030 với ngân sách tăng ít nhất 200% để đáp ứng yêu cầu mới; bổ sung cơ chế đặc thù hỗ trợ trực tiếp cho nhà báo tác nghiệp tại vùng thiên tai, dịch bệnh, địa bàn chiến lược về an ninh - quốc phòng và cho phép thành lập Quỹ Phát triển tài năng báo chí trẻ từ nguồn kinh phí hỗ trợ, tập trung đào tạo thế hệ nhà báo kế cận”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đề xuất.
Trong khuôn khổ Hội nghị cũng đã tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2024; công bố Quyết định công nhận danh hiệu Cờ thi đua của Hội Nhà báo Việt Nam năm 2024 đối với 21 tập thể. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã tặng Bằng khen cho 28 tập thể, 51 cá nhân có thành tích xuất sắc về nghiệp vụ và xây dựng Hội năm 2024.