Việt Nam là thị trường lớn, tiềm năng
Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương Phạm Tuấn Anh, các doanh nghiệp điện tử hoạt động tại Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI) hiện đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm điện tử thiết yếu như điều hòa nhiệt độ, tivi, máy giặt, điện thoại, máy in…
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 57,54 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2020; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử đạt 50,83 tỷ USD, tương ứng tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang thị trường Trung Quốc đạt 15,18 tỷ USD, tăng 23%; sang thị trường Mỹ đạt trị giá 9,69 tỷ USD, tăng 10,3%, sang EU (27 nước) đạt 7,89 tỷ USD, giảm 9,1% so với năm trước.
Theo GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài (VAFIE), nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến cuối tháng 8.2022, nước ta tiếp nhận 16,8 tỷ USD vốn FDI đăng ký, 12,8 tỷ USD vốn thực hiện, tăng 10,5% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế từ đầu năm 1998 đến nay, có 35.539 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng ký 430 tỷ USD, vốn thực hiện 264,4 tỷ USD, chiếm 61,5% vốn đăng ký. Khu vực FDI chiếm 55% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp như khai thác dầu khí, lọc dầu, hóa dầu, công nghệ thông tin, điện tử, xe máy, ô tô, khách sạn 5 sao...
Cùng với đó, khu vực FDI cũng tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 5 triệu lao động với thu nhập cao, hình thành đội ngũ nhà quản lý, kỹ sư, chuyên gia kinh tế, công nhân chuyên nghiệp...; khoảng 10 triệu lao động gián tiếp làm công nghiệp hỗ trợ, tư vấn đầu tư... Hiện, khu vực FDI chiếm khoảng 18% thu ngân sách, 20% GDP. Đồng thời, du nhập phương thức sản xuất, phân phối, tiêu dùng hiện đại, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của doanh nghiệp Việt Nam.
Hướng tới phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
Tổng Thư ký hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam Nguyễn Phước Hải chia sẻ, ngành điện tử rất rộng lớn, đặc biệt, một ngành nổi lên dẫn đầu cơ cấu chuyển dịch trong tương lai của ngành điện tử là cung cấp chất bán dẫn và vật dẫn, dịch vụ sản xuất. Nếu các quốc gia tận dụng tốt và phát triển tốt các ngành công nghiệp hỗ trợ này thì việc thu hút đầu tư của các “ông lớn” trong ngành điện tự của thế giới sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Minh chứng cụ thể cho vấn đề này, ông Nguyễn Phước Hải đã nêu trường hợp của Ấn Độ, đây là quốc gia đã trở thành trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều hãng điện điện tử.
Việt Nam đang có cơ hội lớn khi sự chuyển dịch cơ cấu toàn cầu về sản xuất ngành hàng điện tử từ Trung Quốc sang các quốc gia khác đang rất lớn. Điều quan trọng là Việt Nam phải lựa chọn được những ngành mà mình phù hợp nhất để đón sóng đầu tư và cần có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi ký kết thỏa thuận hợp tác về khả năng cung ứng các hạng mục đi kèm. Các tập đoàn lớn về điện tử có sức cạnh tranh rất lớn, nếu được tham gia vào những chuỗi cung ứng này sẽ là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt để phát triển trong tương lai.
Nói về vấn đề đón sóng chuyển dịch, các chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam nên tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp điện tử mang tính hỗ trợ như chất hóa học, nhựa, bảng mạch in, thiết bị cung cấp nguồn điện, nguyên liệu đóng gói, linh kiện kết cấu nhựa, linh kiện kết cấu kim loại, máy khắc, máy rèn, dập…
Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực sản xuất chip điện tử, nhà sáng lập, Tổng giám đốc Công ty 4P Hoàng Minh Trí chia sẻ, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, các doanh nghiệp hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là vấn đề đổi mới công nghệ, khả năng tiếp cận và vận hành công nghệ mới, thiếu nhân lực có tay nghề. Tiếp đó là việc doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để tạo khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, chính sách pháp luật chưa thực sự khuyến khích được doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Đẩy mạnh liên kết vùng, giảm thiểu thủ tục rườm rà
Tham mưu cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện tử, GS.TS Nguyễn Mại cho rằng, nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ về tài chính, tín dụng ưu đãi để đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, đào tạo nhân lực tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp FDI về công nghiệp hỗ trợ; áp dụng rộng rãi mô hình của Intel.
Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) cần hỗ trợ doanh nghiệp SMEs phát tiền công nghiệp hỗ trợ. Triển khai có kết quả sự hợp tác giữa SEV với Bộ Công thương, Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đào tạo chuyên gia tư vấn cho SMEs.
Ở một khía cạnh khác, nhà nước cần đẩy mạnh liên kết vùng, giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, thời gian thực hiện quá dài tăng thêm chi phí và thời gian, làm giảm hiệu quả dự án đầu tư. Mặc dù Chính phủ và chính quyền địa phương ban hành khá nhiều quy định, kể cả trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng vẫn chưa khắc phục được tình trạng “nơi nóng nơi lạnh, trên nóng dưới lạnh”.