Nguồn nước đang chết dần
Theo Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Nguyễn Thị Phương Hoa, tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên nước nói riêng luôn đóng vai trò trọng tâm trong các khía cạnh của phát triển bền vững. Tài nguyên nước đang trở thành nhân tố cốt lõi, mang tính quyết định sự tồn vong và phát triển của nhân loại toàn cầu. Nguồn tài nguyên quan trọng này đã tạo nên xã hội loài người với sự đa dạng về xã hội, văn hóa và tôn giáo tín ngưỡng trên khắp hành tinh.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, đối với Việt Nam, nguồn tài nguyên nước chỉ thuộc loại trung bình trên thế giới, song ẩn chứa nhiều yếu tố kém bền vững. Nếu chỉ xét lượng nước trên lưu vực sông vào mùa khô thì nước ta thuộc vào vùng phải đối mặt với tình trạng thiếu nước. Một số khu vực như Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên luôn khan hiếm nước. Tổng trữ lượng nước mặt của Việt Nam khoảng 830 - 840 tỷ m3, trong đó khoảng 63% lượng nước là từ nước ngoài chảy vào nước ta. Tình trạng suy kiệt nguồn nước trong hệ thống sông, hạ lưu các hồ chứa trên cả nước và nước dưới đất ở nhiều vùng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng do sự gia tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa… Hiện nay, nhu cầu sử dụng nước ở nước ta lên đến 130 - 150 tỷ m3/năm, chiếm tới gần 50% lượng nước sản sinh trên lãnh thổ, gần 90% nguồn nước mùa khô (khoảng 170 tỷ m3). Điều đó cho thấy, nguy cơ thiếu nước là rõ ràng và ở mức nghiêm trọng. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn.
![]() Ứng xử văn minh với sông đầu nguồn là cách tiết kiệm tài nguyên nước hiệu quả nhất |
Ảnh: Lê Tùng |
“Việc khai thác quá mức nguồn nước, đặc biệt là việc xây dựng các công trình hồ chứa thủy lợi, nhất là thủy điện kiểu đường dẫn, kiểu công trình đập đã chặn hoàn toàn dòng chảy sông với việc quy hoạch, xây dựng. Việc quản lý vận hành bất hợp lý cũng là nguyên nhân làm suy giảm rõ rệt số lượng và chất lượng nước trên các lưu vực sông lớn như: sông Hồng, sông Đồng Nai, sông Đà, sông Đáy… và trên nhiều sông vừa và nhỏ khác. Vì vậy việc cần thiết bây giờ là tất cả chúng ta phải nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nước tới đời sống của chính mình, để từ đó khai thác, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả” - Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu trong Hội nghị về tài nguyên nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Hà Nội mới đây.
Truyền thông quyết định nhận thức
Phát biểu tại Hội thảo với tư cách một người làm trong lĩnh vực truyền thông, PGS. TS. Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho rằng, mọi hành vi hiện nay, mọi sự sử dụng lãng phí mặt này, mặt khác đều có lý do và lịch sử để lại từ thói quen. Thói quen từ lâu đó khó để xoay chuyển với thế hệ hiện tại, nhưng với thế hệ trẻ, thế hệ mai sau hoàn toàn có thể thay đổi nhanh hơn, sớm hơn và sự thay đổi bền vững đó mang tính thế hệ. Ngay trong câu chuyên doanh nghiệp KHCN hướng tới tài nguyên nước nói riêng, tài nguyên nói chung, nếu doanh nghiệp đầu tư chuỗi sản phẩm giúp thế hệ trẻ nhận thức hiệu quả trực diện, rõ ràng về tiết kiệm nước như một hành vi văn minh thì mọi nhận thức đó hoàn toàn có thể thay đổi. “Và hơn thế nữa, nếu có những chỉ dẫn cụ thể, ngắn gọn, ví dụ hướng dẫn cách sử dụng nước tiết kiệm ngay trên các bình đựng nước dành cho học sinh mẫu giáo hay tiểu học thì hiệu quả truyền thông sẽ rất cao và lan tỏa ngược lại. Từ đó chúng ta sẽ có một thế hệ biết tiết kiệm nước, biết sử dụng nước sạch và có sức lan tỏa để tạo thành hiệu quả tổng thể”. Trong truyền thông có truyền thông cấp tập, truyền thông dàn đều và mô hình truyền thông kết hợp. Truyền thông cho công chức khác cho các hộ kinh doanh cá thể. “Mưa dầm thấm lâu! - Vì vậy những đợt truyền thông phải diễn ra thường xuyên, liên tục để toàn xã hội có một nhận thức chung về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước. Đó mới là cái thật sâu, thật ấn tượng của Việt Nam trong nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế sử dụng nguồn tài nguyên nước hiệu quả, tiết kiệm”.
Cũng theo PGS. TS. Đỗ Chí Nghĩa, hiện chúng ta có rất nhiều luật về bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ nước sạch được lồng ghép, nhưng dường như hệ thống luật pháp đang thiếu những bộ luật, quy định cụ thể. “Cá nhân tôi cho rằng, phải có một dự án luật riêng cho bảo vệ các dòng sông. Dòng sông là ngọn nguồn của sự sống. Hãy đặt ra câu hỏi: Liệu chúng ta đã đối xử tử tế và văn minh với những dòng sông đầu nguồn hay chưa? Phải có luật bảo vệ các dòng sông, phải có những điểm nhấn như vậy để thay đổi nhận thức một cách trực diện thay vì lồng ghép vào những bộ luật lớn nhưng hiệu quả không cao, không cụ thể.”
Đồng quan điểm, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Hữu Thuần cho rằng, truyền thông thành công là làm sao từng thế hệ lớn lên, và tất cả chúng ta khi đứng trước dòng sông phải nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của nguồn nước sạch. Nước là sự sống, là tâm hồn, là cội nguồn và cuộc đời mỗi con người. Khi các cơ quan có trách nhiệm đi khảo sát các dòng sông như sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đà, sông Đáy… mới thấy mức độ ô nhiễm khủng khiếp như thế nào, và trong thời gian không dài, chỉ vài chục năm, hệ thống sông sẽ biến đổi hoàn toàn. Nhiều ý kiến của chuyên gia đều thống nhất quan điểm phải có bộ luật rất cụ thể rất chi tiết và rõ ràng để Nhà nước có sự giám sát chuẩn mực.
Liên quan đến công tác truyền thông, ngoài kênh truyền thông về nước sạch, tiết kiệm, các chuyên gia cho rằng cần phải thêm kênh truyền thông chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, áp dụng vào từng đối tượng khác nhau. Ví dụ những hộ gia đình rửa xe máy ô tô họ sử dụng nước sạch chúng ta phải có truyền thông khác; truyền thông đô thị khác truyền thông nông thôn; truyền thông cho công chức khác cho các hộ kinh doanh lợi nhuận... Một vấn đề nổi lên quanh công tác truyền thông là cần phải lồng ghép truyền thông sử dụng nước sạch hiệu quả, tiết kiệm trực quan. Ví dụ ngay trong hóa đơn nước, trong những sản phẩm hằng ngày của người dân cũng phải có quy định để truyền thông trực diện, hiệu quả, xác thực. Và vấn đề quan trọng không kém, đó là chúng ta phải tăng cường truyền thông về sáng kiến sử dụng nước sạch tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với điều kiện của người dân hiện nay.