Chính sách công nghiệp (IP) là nỗ lực chiến lược chính thức nhằm khuyến khích sự phát triển và tăng trưởng của toàn bộ hoặc một phần nền kinh tế, thường tập trung vào toàn bộ hoặc một phần lĩnh vực sản xuất. Theo đó, Chính phủ các nước thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và năng lực của các doanh nghiệp trong nước và thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu.
Xu hướng áp dụng trở lại chính sách công nghiệp
Sau ba thập kỷ, chính sách công nghiệp dường như được sử dụng trở lại. Tại Đông Á, sự tăng trưởng ấn tượng của một số quốc gia như Singapore, Đài Loan hay Hong Kong (Trung Quốc) là kết quả của các chiến lược kinh tế chính thống như quản lý kinh tế vĩ mô ổn định, các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu không phân biệt đối xử và dựa trên ưu đãi, ổn định tỷ giá hối đoái và cam kết hình thành vốn nhân lực.
Ở Indonesia, trong bối cảnh tăng trưởng công nghiệp đang chậm lại, Tổng thống Joko Widodo đang thúc đẩy chính sách công nghiệp tích cực bằng cách theo đuổi xu hướng 'hạ nguồn'. Ông đã cấm xuất khẩu quặng niken để khuyến khích chế biến trong nước, đồng thời mở rộng chiến lược sang quặng bauxite (một loại quặng nhôm nguồn gốc đá núi lửa), các khoáng sản như dầu cọ thô và rong biển. Chiến lược này cũng là nền tảng của Kế hoạch phát triển dài hạn quốc gia mới 2025 - 2045 của Indonesia.
Trong khi đó, tại Malaysia, Kế hoạch Tổng thể công nghiệp mới 2030 (NIMP 2030) đã được công bố, với mục đích đạt được các mục tiêu đặt ra trong 10 năm tới, bao gồm trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Á, một trong 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nằm trong số 12 quốc gia hàng đầu về năng lực cạnh tranh toàn cầu. Theo đó, NIMP 2030 sẽ tạo thêm nhiều việc làm, với mức lương cao hơn cho người lao động, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường mới cho các nhà sản xuất trong nước.
Ngoài ra, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã điều chỉnh chính sách công nghiệp của mình để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của họ nhằm cạnh tranh với Trung Quốc và Mỹ. Trước đây, các chính sách công nghiệp chủ yếu mang tính định hướng trong nước, trợ cấp cho việc mở rộng một số lĩnh vực nhất định. Song, khi ngày càng nhiều các nước tham gia vào thương mại quốc tế, các chính sách được sử dụng nhiều hơn để tác động đến các dòng hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới.
Các chính sách công nghiệp gần đây được áp dụng nhằm mục đích thương mại với nhiều hình thức; các chiến lược được sử dụng nổi bật nhất ở cấp độ toàn cầu là tài trợ thương mại, trợ cấp tài chính, hỗ trợ tài chính để mở rộng thị trường nước ngoài, tìm nguồn cung ứng trong nước, bảo lãnh khoản vay và thuế nhập khẩu. Ở các nước như Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia, các chính sách công nghiệp được sử dụng thường xuyên bao gồm các biện pháp chống bán phá giá, giảm thuế hoặc bảo hiểm xã hội, các khoản vay của nhà nước và trợ cấp tài chính. Vì vậy, chính sách công nghiệp và tài chính không hoạt động một cách biệt lập.
Hơn nữa, việc sử dụng trở lại chính sách công nghiệp một phần lý do liên quan đến khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch Covid-19, đã khiến chính phủ phải can thiệp nhiều hơn. Điển hình như Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ, Kế hoạch công nghiệp Thỏa thuận xanh của EU hay sáng kiến "Made in China 2025" là động lực quan trọng của chính sách công nghiệp. Việc các cường quốc kinh tế lớn áp dụng chính sách công nghiệp như vậy đã thúc đẩy các nước khác làm theo.
Cân bằng các chính sách
Hầu hết chính sách công nghiệp được thực hiện ở Đông Á đều nhằm mục đích tăng giá trị gia tăng quốc nội. Đồng thời, Chính phủ các nước muốn thiết lập sự hội nhập theo chiều dọc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, hai mục tiêu này mâu thuẫn với nhau về chuỗi giá trị toàn cầu, liên quan đến việc cắt giảm các quy trình sản xuất xuyên biên giới, làm giảm giá trị gia tăng trong nước trong mỗi quy trình.
Theo trang East Asia Forum, việc đặt tỷ trọng giá trị gia tăng trong xuất khẩu nội địa như một tiêu chí chính sách là sai lầm. Thứ nhất, sản xuất cho thị trường xuất khẩu đòi hỏi đầu vào chất lượng cao được mua trên thị trường thế giới để duy trì khả năng cạnh tranh. Thứ hai, tổng thu nhập xuất khẩu được quyết định bởi khối lượng chứ không phải trên mỗi đơn vị giá trị gia tăng. Thứ ba, sản xuất trung gian thường thâm dụng vốn, trong khi khâu lắp ráp cuối cùng lại thâm dụng lao động, vì vậy, việc chuyển dịch sản xuất trong nước sang khâu lắp ráp cuối cùng sẽ tạo ra việc làm tốt hơn ở các nước như Indonesia. Cuối cùng, trong trường hợp các nước giàu tài nguyên, hầu hết các nhà sản xuất lớn đều xuất khẩu số lượng lớn ra nước ngoài để chế biến vì nhu cầu trong nước và năng lực chế biến nhỏ hơn nhiều.
Bên cạnh đó, có những lĩnh vực mà chính sách công nghiệp sẽ hợp lý như việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, các vấn đề môi trường liên quan đến các yếu tố bên ngoài nên chính phủ có khả năng can thiệp nhiều hơn vào lĩnh vực này. Nhưng thách thức là làm thế nào để tách mục tiêu giảm thiểu các tác động bên ngoài của khí hậu khỏi việc bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài, và ngành công nghiệp bán dẫn và pin xe điện là những ví dụ về điều này.
Nhìn chung, các nước khu vực Đông Á cần tìm sự cân bằng hợp lý về chính sách công nghiệp và thương mại để không bị mất lợi ích khi tham gia thương mại toàn cầu. Đặc biệt, các nhà hoạch định chính sách cần rút ra bài học về việc áp dụng không thành công chính sách công nghiệp trong quá khứ. Điển hình như việc Malaysia và Indonesia thất bại trong việc chuyển đổi từ linh kiện ô tô của Nhật Bản và Hàn Quốc sang các linh kiện được sản xuất trong nước.
Việc áp dụng chính sách công nghiệp ở Đông Á cần bảo đảm chính sách giúp nâng cao năng suất của toàn bộ nền kinh tế, đồng thời Chính phủ các nước nên tập trung vào các vấn đề trong nước và tìm kiếm giải pháp phù hợp nhất.