Tiên phong tinh gọn bộ máy
KBNN là một trong những đơn vị tiên phong của ngành tài chính trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, hệ thống KBNN đã cắt giảm được 2.313 đầu mối (trong đó từ 30.6.2017 đến 31.5.2020 giảm được 1.524 đầu mối) và giảm hơn 3.200 vị trí lãnh đạo từ cấp tổ đội trở lên. Cụ thể, đã giảm được 251 phòng thuộc KBNN cấp tỉnh (giảm 44% so với năm 2015); giảm 64 KBNN cấp huyện, trong đó giảm 15/15 KBNN thành phố đóng trên địa bàn tỉnh lỵ, 43/43 Phòng Giao dịch. Về sắp xếp, bố trí cán bộ, KBNN đã cắt giảm được 632 vị trí lãnh đạo cấp phòng và tương đương; cắt giảm hơn 2.600 công chức lãnh đạo cấp tổ (đội).

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trong thời gian qua đã đáp ứng mục tiêu và yêu cầu của Chiến lược phát triển hệ thống KBNN đến 2020 và phù hợp với xu thế cải cách. Đến nay, biên chế công chức của hệ thống KBNN đã cắt giảm được 1.155 người, giảm 7,2% so với năm 2015 (đạt 72% kế hoạch đến 2021); tinh giản được gần 160 trường hợp do năng lực còn hạn chế, sức khỏe không bảo đảm (đạt gần 66% so với kế hoạch đến năm 2021). Hệ thống KBNN phấn đấu đến hết năm 2021, thực hiện cắt giảm trên 10% chỉ tiêu biên chế được giao so với năm 2015 theo đúng tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đáng chú ý, số biên chế hàng năm được cắt giảm nhưng chất lượng cán bộ không ngừng được nâng lên khi chuyển từ tác nghiệp thủ công (công chức làm công tác kiểm ngân, kho quỹ giảm) sang công tác kiểm soát, quản lý với yêu cầu chuyên môn cao hơn.
Cùng với tinh gọn bộ máy, KBNN đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ và hiện đại hóa công nghệ quản lý. Qua đó tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị dự toán và các chủ đầu tư có quan hệ giao dịch với KBNN, góp phần tiết kiệm thời gian, công sức chung cho toàn xã hội và giúp hệ thống KBNN tiết kiệm các khoản chi cho bộ máy và con người.
Tiến tới hình thành kho bạc khu vực
Để tiếp tục lộ trình cải cách trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, KBNN đã hoàn thiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại KBNN cấp huyện thành KBNN khu vực trực thuộc KBNN cấp tỉnh. Trong đó, Đề án xây dựng phương án và lộ trình thành lập 15 KBNN khu vực, đồng thời sắp xếp, sáp nhập 7 KBNN cấp huyện vào KBNN cấp tỉnh. Các đầu mối được kiện toàn tinh gọn, hệ thống KBNN sẽ giảm thêm 22 KBNN cấp huyện, hơn 44 vị trí lãnh đạo (giám đốc, phó giám đốc) và 22 kế toán trưởng KBNN cấp huyện.
“Theo kế hoạch, trong năm 2021, KBNN sẽ thực hiện sáp nhập 7 KBNN cấp huyện vào KBNN cấp tỉnh và thành lập 15 KBNN khu vực liên huyện; thành lập KBNN Thủ Đức theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...”, Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Đức Chi cho biết.
Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Tờ trình sửa đổi, bổ sung Quyết định 26/2015/QĐ-TTg ngày 8.7.2015 của Thủ tướng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN để thực hiện Đề án. Theo Bộ Tài chính, Đề án này sẽ khắc phục được hạn chế của việc KBNN được tổ chức thành hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương theo đơn vị hành chính (chưa có quy định tổ chức KBNN khu vực liên huyện) theo Quyết định 26/2015/QĐ-TTg.
Được biết Bộ Tài chính đang hoàn thiện Đề án Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030 trình Thủ tướng phê duyệt, trong đó sẽ xây dựng và thí điểm tổ chức bộ máy KBNN theo mô hình 2 cấp: tại Trung ương là cấp hoạch định chính sách và tổ chức điều hành; tại các đơn vị kho bạc trực thuộc là cấp thực hiện. Về cơ bản, các giao dịch sẽ được xử lý tập trung tại KBNN tỉnh, ngoài ra có các điểm giao dịch tiếp nhận hồ sơ chứng từ và xử lý các giao dịch đơn giản, mức độ rủi ro thấp, không còn KBNN huyện như một đơn vị KBNN độc lập.