Theo đó, một trong những điểm nóng về ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, nút giao Trần Vỹ – Hồ Tùng Mậu vừa được triển khai thí điểm phương án tổ chức lại phân luồng nhằm cải thiện lưu lượng phương tiện và giảm thiểu xung đột giao thông.
Nút giao Trần Vỹ – Hồ Tùng Mậu là điểm kết nối trọng yếu tại cửa ngõ phía Tây Hà Nội, nơi lưu lượng phương tiện luôn duy trì ở mức cao, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm sáng và chiều.

Theo ghi nhận, tại nút giao này, các phương tiện từ đường Hồ Tùng Mậu không được phép rẽ trái vào Trần Vỹ và Lê Đức Thọ. Thay vào đó, các phương tiện đi vào Trần Vỹ phải di chuyển thẳng, sau đó quay đầu tại khu vực trước cổng Đại học Thương Mại (cách khoảng 300m). Tương tự, hướng vào Lê Đức Thọ sẽ quay đầu tại điểm trước nghĩa trang Mai Dịch (khoảng 240m).
Tuy nhiên, chính việc tổ chức này cùng với mật độ xe lớn đã gây ra tình trạng ùn ứ nghiêm trọng, đặc biệt vào giờ cao điểm. Sự chồng chéo và xung đột giữa các hướng di chuyển khiến tình trạng ùn tắc kéo dài, ảnh hưởng đến cả tuyến Hồ Tùng Mậu và các nhánh giao cắt liên quan.
Trước thực trạng đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã giao cho các tổ công tác phối hợp cùng Công ty Cổ phần Công trình Giao thông 2 Hà Nội rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông tại nút này theo hướng thí điểm.


Cụ thể, phương án mới cho phép các phương tiện từ đường Trần Vỹ rẽ phải liên tục vào Hồ Tùng Mậu, sau đó quay đầu tại điểm mở dải phân cách trước nghĩa trang Mai Dịch. Đồng thời, pha đèn tín hiệu giao thông cũng được điều chỉnh lại để phù hợp với hướng di chuyển mới, tối ưu hóa lưu lượng dòng xe.
Trao đổi với phóng viên, Đại úy Nguyễn Minh Tuấn, Đội CSGT Đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết: “Trước đây, trong giờ cao điểm, chưa bố trí phân luồng, tình trạng ùn tắc diễn ra phổ biến. Nhưng từ khi áp dụng phương án mới với dải phân cách và điểm quay đầu rõ ràng, tình trạng ùn tắc đã giảm hẳn. Việc tránh xung đột giữa hai hướng rẽ trái tại nút cũng là điểm then chốt giúp giao thông thông thoáng hơn.”
Hệ thống đèn tín hiệu tại nút giao Lê Đức Thọ – Hồ Tùng Mậu được điều chỉnh theo ba khung giờ. Việc điều chỉnh linh hoạt chu kỳ đèn theo khung giờ đã góp phần không nhỏ trong việc giảm áp lực giao thông cục bộ.

Theo ông Trần Việt Thiệp, Công ty Cổ phần Công trình Giao thông 2 Hà Nội cho biết: “Hạ tầng hiện tại chưa thể đáp ứng được tốc độ gia tăng phương tiện. Việc đầu tư xây dựng công trình lớn là cần thiết nhưng mất nhiều thời gian. Vì vậy, chúng tôi triển khai trước các giải pháp tổ chức giao thông linh hoạt để giải quyết trước mắt. Các phương án thí điểm như tại nút Trần Vỹ – Hồ Tùng Mậu sẽ được theo dõi sát sao, đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng”.
Thời gian thí điểm có thể kéo dài trong khoảng một tuần, tùy theo diễn biến thực tế. Nếu phương án không đạt hiệu quả mong muốn, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất giải pháp thay thế.
Ngoài ra, tổ công tác hiện cũng đang mở rộng nghiên cứu tại các tuyến trọng điểm như đường 32, Cầu Giấy – Xuân Thủy và nút giao Mai Dịch nhằm đồng bộ hóa tổ chức giao thông toàn tuyến.
Thực tế ghi nhận sau thời gian ngắn áp dụng phương án phân luồng mới tại nút Trần Vỹ – Hồ Tùng Mậu đã cho thấy dấu hiệu tích cực trong việc giảm xung đột, tăng khả năng lưu thoát. Đây có thể coi là mô hình cần được nghiên cứu nhân rộng tại nhiều nút giao trọng điểm khác trong thành phố.
Trong bối cảnh hạ tầng đô thị Hà Nội đang chịu nhiều áp lực, những giải pháp tổ chức giao thông mềm như thế này không chỉ là cách ứng phó tạm thời, mà còn là một bước đi cần thiết để hướng đến một hệ thống giao thông đô thị hiệu quả, hiện đại và bền vững hơn trong tương lai.