Khó khăn cơ bản của rau, quả nước ta hiện nay chủ yếu vẫn do chất lượng chưa được cải thiện, phương thức sản xuất và kinh doanh lạc hậu, thiếu chủ động. Sản xuất rau quả đa số là nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng không đồng đều và chưa có giống cây chất lượng. Sản xuất không theo quy hoạch nên việc quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng khó khăn; bố trí không tập trung nên dễ xảy ra khủng hoảng thừa hoặc thiếu cục bộ khi cung - cầu thay đổi. Công tác kiểm soát, phòng trừ sâu hại theo các tiêu chuẩn Global GAP, VietGap chưa được áp dụng rộng rãi. Việc thu hái, sơ chế, bảo quản vẫn tiến hành thủ công là chính. Công nghệ bảo quản và phương tiện vận chuyển còn thiếu, lạc hậu khiến tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch hiện vẫn ở mức 25 - 30% - là mức được nêu ra từ cách đây 20 năm.
Ở nước ta chưa hình thành được hệ thống sơ chế, xử lý, đóng gói và bảo quản rau tươi, nên chưa có mối quan hệ liên hoàn giữa sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ mặt hàng này. Kênh tiêu thụ hiện nay chủ yếu thông qua thương lái trước khi đến các cơ sở chế biến, kinh doanh, xuất khẩu. Số còn lại đi thẳng từ vườn ra chợ, mua bán tự do, chưa phổ biến các phương thức phân phối hiện đại. Trong khi đó, cước phí vận chuyển nội địa và xuất khẩu, chi phí bảo quản đối với rau quả Việt Nam khá cao, chiếm trên 60% giá thành sản phẩm. Điều này làm hạn chế khả năng cạnh tranh của rau quả cả ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, đồng thời tạo áp lực tiêu thụ trong thời gian ngắn, dẫn đến bị ép giá, gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp và nông dân.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là các doanh nghiệp trong nước chưa đủ khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn do không chủ động về vùng nguyên liệu, hạ tầng chế biến hạn chế, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài e ngại đầu tư vào lĩnh vực này. Do thiếu nguyên liệu, hầu hết các nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu đều trong tình trạng hoạt động cầm chừng, công suất thực tế chỉ đạt 20 - 30%. Mà để phát triển bền vững thì sản xuất phải gắn với thị trường thông qua mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, hoặc thông qua đại diện của nông dân là các hợp tác xã, tổ hợp tác. Bởi doanh nghiệp là đối tượng nắm thông tin thị trường nhanh nhất. Tất nhiên, ở nhiều địa phương cũng có tình trạng do năng lực có hạn nên doanh nghiệp chỉ dừng ở hình thức mua đứt, bán đoạn, được thì mua, không được thì thôi, khiến hiện tượng được mùa - mất giá diễn ra thường xuyên.
Là nước nông nghiệp nhiệt đới, Việt Nam có nhiều tiềm năng để sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu rau quả. Nhưng sau bao nhiêu năm, các khâu quy hoạch, cây giống, kiểm dịch thực vật, công nghệ bảo quản, chế biến, hạ tầng kho bãi, hệ thống phân phối, tiêu thụ... vẫn được bàn đi bàn lại. Hàng loạt giải pháp đã được đặt ra, chính sách hỗ trợ cũng đã có, nhưng có lẽ từng khâu thực hiện chưa đến nơi đến chốn, nên đầu ra cho nông sản nói chung và rau, quả nói riêng vẫn là bài toán mang tính thời sự. Hiện nay, với nỗ lực đàm phán của Bộ Công thương, nhiều thị trường khó tính đã cởi mở hơn với rau quả Việt Nam. Mở cửa thị trường đã khó, nhưng làm thế nào vào được những thị trường này lại đòi hỏi không ít công sức.

Giải ngân đầu tư công bắt đầu khởi sắc
Kết thúc tháng 4.2025, cả nước ước giải ngân được 128,5 nghìn tỷ đồng, đạt 14,3% kế hoạch. So với tỷ lệ của 3 tháng đầu năm, tốc độ giải ngân trong tháng 4 đã bắt đầu khởi sắc, bắt kịp tiến độ cùng kỳ năm trước.