Theo hồ sơ bệnh sử, ngày 24.7, bệnh nhân H.M.T, 38 tuổi (ngụ tại quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) nhập viện trong tình trạng đau tức hạ vị và cầu bàng quang, đau tức đầu dương vật.
Bệnh nhân có biểu hiện tiểu ra sỏi nhỏ, cảm giác có sỏi di chuyển xuống đầu dương vật, bí tiểu, đau tức hạ vị nhiều. Khám sơ bộ, các bác sĩ Đơn vị Cấp cứu Bệnh viện 199 phát hiện có sỏi đầu dương vật.
Ngay lập tức, ê-kíp cấp cứu do BS. CKI Phạm Thị Ánh Hồng chỉ đạo đã hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa Ngoại tiết niệu (ThS. BSNT Đỗ Văn Hiếu và BS Nguyễn Đức Huy) để tiến hành cấp cứu tích cực tại chỗ.
Bệnh nhân nhanh chóng được chọc hút bàng quang trên xương mu rút ra 800ml nước tiểu. Sau gần 30 phút thực hiện thủ thuật tại chỗ, bệnh nhân giảm đau hạ vị.
Sau khi được cấp cứu thành công, bệnh nhân được tiến hành thêm các xét nghiệm cần thiết. Qua đó, các bác sĩ chuyên khoa Ngoại tổng hợp chẩn đoán bệnh nhân bị sỏi kẹt niệu đạo biến chứng, bí tiểu cấp, cần phải phẫu thuật tán sỏi niệu đạo bằng máy laser.
Ca phẫu thuật tán sỏi sau đó đã thành công sau 1,5 giờ, tình trạng bệnh nhân ổn định, được rút thông tiểu và ra viện sau một ngày điều trị.
Thông qua trường hợp này, ThS, BSNT Đỗ Văn Hiếu Đỗ Văn Hiếu khuyến cáo: Để phòng bệnh sỏi thận, mọi người cần uống nước đúng, đủ. Vì uống nước đúng, đủ sẽ có tác dụng nước tiểu được đào thải điều độ. Từ đó sẽ thải ra tất cả cặn lắng, các tinh thể, thậm chí có những viên sỏi nhỏ khi đi tiểu sẽ theo dòng nước trôi ra ngoài.
Khi mắc bệnh sỏi thận, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị mà phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám, tư vấn và có hướng điều trị phù hợp. Tùy tình trạng bệnh, vị trí viên sỏi, kích thước viên sỏi, bệnh lý nền, tuổi tác của bệnh nhân, bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể.
Trường hợp sỏi nhỏ, không có chỉ định phẫu thuật, bác sĩ sẽ điều trị viêm nhiễm, điều trị tăng dòng chảy để đẩy viên sỏi ra ngoài. Trường hợp sỏi lớn, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.