Sập nhà vì… hàng xóm (?)
“Hiện nay vẫn còn tình trạng người dân chủ quan khi làm nhà, nhiều hộ gia đình “chọn mặt gửi vàng” những đội thợ làm việc bằng kinh nghiệm, thậm chí là “học lỏm” mà không qua đào tạo, thiếu kỹ năng bài bản. Mặc dù việc thuê ai làm nhà là quyền của người dân, song điều này thực sự là thách thức trong việc bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng cho chính hộ gia đình đó cũng như người xung quanh”, Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Nguyễn Văn Hùng |
Ngôi nhà bị sập là cơ sở Nem Xuân Dần của ông Trần Anh Tuấn, thường trú ở Hàm Long, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhà bị sập có diện tích khoảng 30m² với 3 tầng và 1 tum; tầng 1, 2 để kinh doanh, tầng 3 là bếp và nơi ngủ của nhân viên. Thời điểm xảy ra vụ sập, trong nhà có 9 người. Lực lượng cứu hộ xác định, có 4 người tự thoát ra ngoài, 5 người mắc kẹt trong nhà. Tại hiện trường, bên cạnh ngôi nhà bị sập là ngôi nhà số 41 (do bà Nguyễn Thị Vân làm chủ, con trai bà Vân là anh Trương Quốc Hùng sống tại đây) đang đào móng.
Trước đó, ngày 7.7.2016, anh Hùng thuê thợ về tháo dỡ để xây dựng lại song đã bị thanh tra xây dựng quận đình chỉ thi công vì không có phép. Chủ nhà đã làm hồ sơ xin cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà. Ngày 2.8.2016, UBND quận Ba Đình có công văn số 1123 đồng ý việc sửa chữa xây dựng lại nhà cũ trên diện tích 33m2 với một tầng và gác lửng. Anh Trương Quốc Hùng đã thuê người về xây dựng lại nhà. Khoảng 22h ngày 3.8, đội thợ thuê máy xúc đến đào móng ngôi nhà. Khoảng hơn 3h sáng ngày 4.8, ngôi nhà số 43 bên cạnh bị rung lắc và đổ sụp.
Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội Nguyễn Văn Hùng phân tích, dựa trên những dữ liệu được cơ quan chức năng bước đầu công bố thì việc sập nhà số 43 Cửa Bắc là hoàn toàn dễ hiểu. Bởi lẽ, đây là khu đô thị cũ, cổ. Ở những khu đô thị này, các hộ làm tường nhà nọ dựa vào nhà kia nên với bất cứ tác động nào từ việc xây dựng, sửa chữa cũng đều có thể làm mất trạng thái cân bằng và làm mất khả năng chịu lực của các ngôi nhà kế bên. Thêm vào đó, các nhà này đã được xây dựng từ lâu, khả năng chịu lực cũng kém dần. Chưa kể, ở những khu vực này, nhà mới làm thường đào móng có vị trí cao độ đáy móng thấp hơn cao độ đáy móng của nhà cũ kế bên. Do vậy, nếu không gia cố phần tiếp giáp giữa hai ngôi nhà thì sẽ làm móng nhà bên cạnh bị lún, tạo ra hiện tượng lệch tâm khiến nhà cũ đổ sập, nhất là khi trời mưa làm nền đất yếu hơn.
Ông Hùng nhấn mạnh, “khi thi công những ngôi nhà xây chen trong khu vực này, việc cam kết không làm ảnh hưởng tới nhà hàng xóm là chưa đủ mà còn đòi hỏi người thiết kế phải có trình độ chuyên môn để tính hết được các khả năng có thể xảy ra, người thi công cũng phải hiểu biết để có biện pháp vừa bảo đảm thiết kế vừa gia cố ngôi nhà. Bởi khi đào móng xuống sâu, nếu đóng cọc không cẩn thận cũng kéo lún nhà bên cạnh”, ông Hùng nói.
![]() Hiện trường nhà sập tại phố Cửa Bắc (Ảnh: Lan Chi) |
Cần làm rõ trách nhiệm
Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân vụ việc ban đầu được các cơ quan chức năng xác định là do trong quá trình thi công ngôi nhà số 41 đã làm vỡ đường ống nước, dẫn đến làm lở móng nhà số 43 Cửa Bắc. Mặt khác, do nhà 43 xây dựng đã lâu không có kết cấu bê tông nên dẫn đến sập. Hiện, Cơ quan Công an quận Ba Đình đã đề xuất khởi tố vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng để điều tra.
Nhiều chuyên gia cho rằng, không khó để xác định trách nhiệm trong trường hợp này. Theo đó, cần tiến hành rà soát lại tất cả các khâu, từ cấp phép, thiết kế, thi công, giám sát thi công xem sơ hở ở khâu nào để có biện pháp xử lý thích hợp. KTS Trần Huy Ánh bổ sung, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Ông chỉ rõ, việc cấp phép để người dân thực hiện sửa chữa, xây dựng nhà nhưng làm ảnh hưởng tới nhà hàng xóm thì trước hết, người được cấp phép đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng như thế không có nghĩa là chính quyền sở tại vô can, bởi sau cấp phép thì chính quyền phải giám sát việc thực hiện của người dân để kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm nếu có.
ĐBQH TP Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, Hà Nội có đặc thù là nhiều khu phố cổ, cũ, không đồng bộ trong kết cấu chịu lực. Do vậy, từ vụ sập nhà này, yêu cầu bức thiết đặt ra cho chính quyền thành phố cũng như các địa phương khác là phải tiến hành rà soát để thống kê cụ thể ở từng tuyến phố những nhà nào đã quá cũ, có nguy cơ sụp đổ hoặc đã được cải tạo, cơi nới nhiều lần. Trên cơ sở đó, khi cấp phép cho bất cứ nhà nào trong danh sách này cải tạo, xây dựng mới cần được công bố công khai để người dân biết, qua đó người dân giám sát việc thực hiện theo giấy phép hoặc đóng góp ý kiến để tránh tình trạng như với vụ việc của nhà số 43 Cửa Bắc. Việc công khai này cũng khiến người dân dễ dàng giám sát trách nhiệm của cơ quan chức năng. Mặc dù thừa nhận việc làm này có thể không đơn giản, song theo bà Khánh, “chúng ta không thể chần chừ được nữa” để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Đồng thời, chính quyền cũng phải có trách nhiệm, cần chỉ rõ trách nhiệm đó ở khâu nào, người nào chứ không thể chung chung.