Nếu trước đây từng có nhiều tài liệu và sách viết về ả đào, ca trù dưới góc nhìn lịch sử, văn học hay khảo cứu tư liệu Hán Nôm, thì trong Ả Đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật, tác giả - nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền lại chọn một cách tiếp cận khác. Đó là đi sâu vào các khía cạnh lịch sử, không gian văn hóa và hệ âm luật của chính loại hình nghệ thuật cổ truyền này.
Qua 7 phần nội dung, người đọc từng bước đi vào thế giới đầy tính nghệ thuật, đậm tinh thần văn hóa Việt Nam của hát ả đào, và hiểu được vì sao loại hình âm nhạc này được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Tại chương trình ra mắt sách, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho rằng: "Tác giả lấy tên sách Ả đào là rất đúng, chỉ đích danh hình thức nghệ thuật diễn xướng ấy. Ả đào là nghệ thuật diễn xướng dành riêng cho nữ giới, không có đàn ông tham gia. Nghệ thuật ấy đã ra đời cách nay hơn ngàn năm. Cuốn sách lấy từ Ả đào, tức là giữ lại lịch sử của 1.000 năm nghệ thuật này ra đời. Những lần điền dã của tôi vào năm 2005, suốt chiều dài đất nước, các nghệ nhân 70 - 80 tuổi lúc bấy giờ đều nói không biết ca trù, chỉ biết ả đào!"
Ngoài việc khảo cứu về lịch sử, cuốn sách có một khảo cứu quan trọng, có tính chất nền tảng, đấy là khảo cứu về âm nhạc. Trước đó, chưa có công trình nghiên cứu nào khảo cứu kỹ lưỡng về âm nhạc ca trù, thể loại âm nhạc phức tạp nhất trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, là một hình thức âm nhạc độc đáo nhất, sáng tạo nhất mà theo GS. Trần Văn Khê, là kiệt tác di sản nhân loại…
Còn theo bà Trần Thị Hoài Phương, Giám đốc Công ty CP sách Omega Việt Nam: "Cách đây gần 1 năm, khi tác giả Bùi Trọng Hiền đưa cuốn sách là công trình nghiên cứu suốt gần 10 năm của anh cho Omega Plus, đấy cũng là thời gian chúng tôi đang theo đuổi việc xuất bản và giới thiệu các công trình nghiên cứu, giới thiệu các di sản văn hóa của dân tộc dưới ánh sáng của những nghiên cứu mới. Bởi vậy, khi tiếp nhận bản thảo của tác giả, chúng tôi rất quan tâm, bởi vì ả đào là một chủ đề hấp dẫn. Việc nghiên cứu ả đào rất chuyên sâu và là vấn đề của giới nghiên cứu, nhưng sự quan tâm về thể loại âm nhạc này trong thời điểm bây giờ đã tương đối rộng rãi hơn".

Đánh giá cao cuốn sách của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tin tưởng rằng, công trình nghiên cứu này sẽ là tư liệu để nhà nghiên cứu, những người thực hành về nghệ thuật, thế hệ sau tìm được chỉ dẫn để có thể bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật hát ả đào.