Chú trọng khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
TP. Uông Bí hiện có 50 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, trong đó tỷ lệ cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm 12%. Cùng với đó, trên địa bàn còn có 10 trung tâm học tập cộng đồng, 5 cơ sở giáo dục trực thuộc bộ, ngành trung ương quản lý, 11 trung tâm tiếng Anh, toán học, nghệ thuật và kỹ năng sống, 2 cơ sở tư vấn du học, 74 nhóm lớp mầm non độc lập.
Uông Bí là địa phương sớm đạt chuẩn quốc gia ở 100% trường học cấp phổ thông trên địa bàn. Chất lượng dạy và học, thành tích giáo dục đại trà cũng như mũi nhọn nhiều năm qua được duy trì, năm sau cao hơn năm trước. Hệ thống trường, lớp, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và dạy nghề được đầu tư và phát triển về quy mô. Cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục được tăng cường nên tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Các cơ sở giáo dục và xã, phường luôn phối hợp làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp; công tác giáo dục phổ cập và xoá mù chữ ở các cấp học được duy trì và giữ vững.
Thời gian qua, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập luôn được thành phố hết sức quan tâm, chú trọng. Trong đó, nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập được các cấp ủy, chính quyền đưa vào nghị quyết và xây dựng thành chương trình hành động. Phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển đa dạng, phong phú cả về hình thức và nội dung, thu hút, khích lệ tinh thần thi đua học tập của mọi tầng lớp Nhân dân. 100% chi, đảng bộ trực thuộc đều xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nội dung xây dựng xã hội học tập. Các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát huy vai trò thế mạnh của mình trong việc vận động và thực hiện học tập suốt đời...
Tập trung cho các điểm nhấn khác biệt, xứng tầm tôn vinh
"Thành phố học tập toàn cầu" là danh hiệu danh giá và việc xét duyệt cũng được tiến hành khắt khe. Hội đồng sẽ xét duyệt căn cứ trên 42 tiêu chí, 57 chỉ số của Bộ tiêu chí thành phố học tập và câu trả lời mà các thành phố cung cấp cho khoảng 20 câu hỏi trong mẫu đăng ký của UNESCO. Thông qua đó, hội đồng tiến hành đánh giá và xem xét sự phù hợp của thành phố ứng cử với các tiêu chí đề ra.
Các ứng cử viên phải vượt qua một quy trình xét duyệt hồ sơ chặt chẽ, công bằng và minh bạch. Hồ sơ được đánh giá qua các vòng độc lập bởi hội đồng gồm các chuyên gia uy tín trên thế giới do UNESCO thành lập. Đáng chú ý, trong bộ tiêu chí đánh giá của UNESCO có những tiêu chí quan trọng, buộc phải làm tốt. Đó là ứng cử viên bắt buộc phải có điểm nhấn khác biệt và xứng tầm để tôn vinh, có những tiêu chí giáo dục trọng điểm phù hợp tiêu chí UNESCO đưa ra, cho thấy thành phố đang có những ưu tiên hàng đầu cho giáo dục.
Cùng với các tiêu chí về giáo dục (chỉ chiếm khoảng 25% Bộ tiêu chí) còn có các tiêu chí liên quan khác về tri thức và thực hành tri thức môi trường, tính nhân văn, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin… Chính vì vậy, việc quan tâm đầu tư cho giáo dục cũng như các hoạt động khác liên quan cần phải được tập trung và nâng cao hơn.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Uông Bí Trần Nam Hải chia sẻ, tham gia mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu, Uông Bí sẽ có cơ hội mở rộng hiểu biết, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, chuyên môn của UNESCO trên cộng đồng quốc tế, nâng tầm phát triển của thành phố, thu hút đầu tư nhân lực, phát triển thịnh vượng và bền vững, nâng cao chất lượng đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trong cam kết hỗ trợ các mục tiêu và hoạt động của mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO theo quy định, TP. Uông Bí cam kết 100% người dân được tham gia việc học tập mọi lúc, mọi nơi; duy trì đạt các chỉ số cơ bản về “Công dân học tập”, “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập”; chú trọng đầu tư cho giáo dục trong và ngoài nhà trường, giáo dục thường xuyên, giáo dục toàn dân; xây dựng hệ thống thư viện bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân...