Tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về du lịch
Ninh Bình là vùng đất địa linh, nhân kiệt có truyền thống, lịch sử văn hóa lâu đời, được tạo hóa ưu ái, ban tặng nhiều cảnh quan độc đáo và hấp dẫn, các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, với các lễ hội dân gian, nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống độc đáo, ẩm thực phong phú. Ninh Bình còn sở hữu các di sản văn hóa vật thể, với 1.821 di tích, trong đó có 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt), 1 di sản hỗn hợp và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Thời gian qua, ngành du lịch đã có bước phát triển mạnh mẽ, song còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; khách du lịch đến đông nhưng doanh thu chưa cao; cơ sở hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn thiếu đồng bộ, quy mô còn nhỏ, chất lượng dịch vụ chưa chuyên nghiệp; việc xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch là thế mạnh của tỉnh còn hạn chế; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tới thị trường khách du lịch quốc tế hiệu quả còn thấp; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu nguồn nhân lực trình độ cao, đặc biệt thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho các tổ chức, người dân, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch.
Để sớm đưa ngành du lịch của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII “tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch của cả nước”, việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh là cần thiết.
Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp không khói
Trên tinh thần đó, tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Khóa XV, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch. Qua thẩm tra, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh thống nhất cao với chủ trương ban hành chính sách và cho rằng với 7 nhóm chính sách hỗ trợ được xây dựng trên cơ sở lựa chọn những chính sách cơ bản, đặc thù, phù hợp với thực tế phát triển du lịch của tỉnh, khả năng cân đối của ngân sách, khả năng huy động các nguồn lực khác, qua đó sẽ tạo điều kiện để ngành du lịch của tỉnh phát triển.
Ban đề nghị bổ sung nguyên tắc hỗ trợ “Tổ chức hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ khi đã thực hiện đầy đủ quy định tại nghị quyết này và các quy định của pháp luật khác có liên quan”. Như vậy, tổ chức cá nhân, chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật có liên quan thì chưa thực hiện hỗ trợ; rà soát, điều chỉnh quy định về hồ sơ, thủ tục theo hướng giảm thủ tục hành chính, rõ ràng, thuận lợi hoặc giao UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn của tỉnh hướng dẫn cụ thể, hạn chế việc phải sửa đổi nghị quyết và thống nhất hiệu lực thi hành nghị quyết kể từ ngày 22.7.2023.
Tại kỳ họp, nghị quyết đã nhận được nhiều quan tâm của các đại biểu HĐND tỉnh. Đa số các ý kiến thống nhất với đề nghị tại Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội. Song, có đại biểu đề nghị làm rõ ý kiến của Ban thẩm tra về nội dung nào cần rà soát, thay đổi để trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu nghị quyết quy định quá cụ thể sẽ khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện như nội dung kết cấu nhà “khung tre, gỗ tuổi đời 50 năm” - thực tế nhà khung tre tuổi đời không thể được 50 năm; quy định đối tượng hỗ trợ sản phẩm du lịch “đội văn nghệ” không nên bó buộc tên gọi, nên sử dụng tên gọi để áp dụng cho các nhóm như câu lạc bộ, tổ… các đội văn nghệ chỉ cần bảo đảm đủ điều kiện sẽ được nhận hỗ trợ.
Bên cạnh đó, có đại biểu ý kiến về một số quy định sẽ khó thực hiện trong thực tiễn như: đối tượng nhà truyền thống đã được xây dựng từ 50 năm trước; hay mô hình nhà homestay phải bảo đảm tiêu chí, tiêu chuẩn của Bộ Khoa học Công nghệ nhưng mức hỗ trợ 100 triệu đồng; đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định chính sách cụ thể về mẫu nhà để thuận tiện trong triển khai thực hiện.
Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030 đã được 100% đại biểu HĐND tỉnh có mặt tại kỳ họp thống nhất thông qua. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Tuất đề nghị ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh, các cấp, ngành, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ các biện pháp để bảo đảm các nghị quyết của HĐND tỉnh sớm đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh; các ban, tổ đại biểu, các đại biểu HĐND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát huy vai trò giám sát và vận động Nhân dân thực hiện tốt các nghị quyết của HĐND tỉnh đã thông qua.