Góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội
Đa số ĐBQH tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ không cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành, áp dụng luật thời gian qua.
Các đại biểu cho rằng, dự thảo luật đã đề cập tương đối đầy đủ về những vấn đề có liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi được giao quản lý, bảo quản, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
So sánh với luật hiện hành, dự thảo luật lần này đã có nhiều nội dung mới được bổ sung, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và yêu cầu của việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) nêu rõ, trong bối cảnh phương thức hoạt động tội phạm ngày càng phát sinh nhiều khía cạnh mới, thì pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cần được hoàn thiện, không ngừng hướng đến tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Qua đó, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời, bảo đảm cân bằng, hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Tăng tính răn đe với những đối tượng thường xuyên hành hung người khác
Đa số ĐBQH tán thành việc bổ sung "dao có tính sát thương cao" vào nhóm vũ khí thô sơ, trường hợp sử dụng "dao có tính sát thương cao" vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.
Theo ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), quy định dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao… (Điểm b, Khoản 4, Điều 3 dự thảo Luật) sẽ tăng tính răn đe đối với những đối tượng có tiền án, tiền sự thường xuyên gây rối trật tự công cộng, hành hung người khác. Các đối tượng này không còn lợi dụng việc sử dụng dao để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, có hành vi đe dọa xâm hại cơ thể người khác.
Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) chỉ rõ, thực tế hiện nay hiện tượng thanh niên tự hoán cải, tự chế thêm vào các loại dao để sử dụng làm công cụ phạm tội, song không xử lý được các đối tượng này về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong luật hiện hành không quy định dao là vũ khí.
Tuy nhiên, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, dao là công cụ dễ thấy xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày và vật dụng này rất dễ biến thành hung khí để gây án. Mặc dù vậy, nếu quy định dao là một loại vũ khí và xử lý đối tượng sở hữu dao theo hướng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí thì có thể phát sinh nhiều bất cập và nảy sinh vấn đề mâu thuẫn giữa đời sống xã hội và pháp luật. Nếu liệt kê dao vào loại vũ khí thô sơ thì những hoạt động sinh hoạt thường ngày của người dân ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Do đó, để bảo đảm tính ổn định xã hội, đề nghị cần tổ chức khảo sát, lấy ý kiến sâu hơn nữa của các tầng lớp nhân dân là đối tượng chịu sự tác động của các vi phạm pháp luật để đánh giá tính nghiêm trọng của các loại vật dụng gây nguy hiểm, từ đó đưa ra các quy định cụ thể và phù hợp với thực tiễn cuộc sống.