Bảo đảm chặt chẽ, thống nhất
- Sau hơn 20 năm được ban hành (năm 2001), lần này Luật Di sản văn hóa được sửa đổi toàn diện. Ông quan tâm đến những nội dung nào trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này?
- Tôi tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm với những lý do được nêu tại Tờ trình và Báo cáo thẩm tra. Dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung đối tượng áp dụng; kế thừa có bổ sung các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; bổ sung các quy định về đầu tư, xây dựng, cải tạo công trình trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích; hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa...
Tôi quan tâm đến quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật. Dự thảo Luật thiết kế một điều riêng - Điều 8 để quy định về các hành vi bị cấm. Ngoài ra, ở các Điều 41 và 100 cũng đề cập một số nội dung.Qua rà soát, tôi thấy quy định hành vi bị nghiêm cấm giữa các Điều 8, 41 và 100 trong dự thảo Luật chưa thống nhất; Điều 8 không có các hành vi bị cấm quy định tại các Điều 41 và 100 của dự thảo Luật. Cơ quan soạn thảo cần rà soát, sửa đổi, bảo đảm thống nhất quy định về các hành vi bị nghiêm cấm ở các điều của dự thảo Luật. Đối với các quy định tại điểm a, điểm c, Khoản 1, Điều 41, đề nghị cân nhắc, làm rõ hơn cách xác định quy định “không được kinh doanh” di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
- “Mua bán, sưu tầm di vật, cổ vật có nguồn gốc không hợp pháp” là một trong các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8, dự thảo Luật…?
- Tôi cho rằng, quy định này sẽ phòng chống được các hành vi trộm cắp di vật, cổ vật. Tuy nhiên, quy định như vậy cũng có thể hiểu là các di vật, cổ vật ở nước ngoài bắt nguồn từ Việt Nam có nguồn gốc không hợp pháp sẽ không được mua bán, sưu tầm. Điều này gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có mong muốn hiến tặng, chuyển giao cho Nhà nước những di vật, cổ vật ở nước ngoài mà nguồn gốc bất hợp pháp.
Do vậy, tôi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu bổ sung quy định để vừa phòng chống được các hành vi trộm cắp di vật, cổ vật, vừa khuyến khích công tác hồi hương di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài.
Cần phù hợp với từng loại hình di sản văn hóa
- Dự thảo Luật bổ sung quy định cấm hành vi chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hóa tại Khoản 1, Điều 8. Ông nghĩ sao về quy định này?
- Tôi cho rằng phải nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ. Thế nào là làm sai lệch di sản văn hóa? Khái niệm này rất cần được làm rõ trong phần giải thích từ ngữ cũng như xem xét tính phù hợp đối với từng loại hình di sản văn hóa, bảo đảm song song với bảo tồn còn phát huy giá trị di sản văn hóa.
Thực tế nhiều năm trở lại đây, có không ít di sản văn hóa, kể cả các di sản văn hóa là di tích lịch sử cấp quốc gia, đã bị tác động một cách tùy tiện, gây hệ lụy nghiêm trọng cho việc bảo tồn theo đúng nghĩa của nó. Dư luận và các nhà khoa học từng bức xúc về việc một ngôi chùa là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đã phá dỡ nhà tổ và gác khánh để xây mới; hay việc bỏ đi các mảng chạm khắc tinh xảo cũ trong một ngôi đình cổ để xây mới bằng bê-tông cho “khang trang” hơn… Những sự kiện “làm mới di tích” như thế, bất chấp có còn đúng với nguyên gốc hay không xuất hiện ngày càng nhiều và mức độ càng nghiêm trọng.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, việc trùng tu, tôn tạo phải được dựa trên quy định chặt chẽ của pháp luật, tôn trọng giá trị nguyên gốc và trên cơ sở ý kiến của giới chuyên môn. Hết sức tránh sự tùy tiện do thiếu hiểu biết hoặc do động cơ cá nhân, dẫn đến sự hủy hoại những di sản mà cha ông ta đã gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ.
- Đó là đối với di sản văn hóa vật thể. Ông có cho rằng, ở góc độ khác cũng cần nghiên cứu, tránh cứng nhắc trong quy định cấm, nhất là với các di sản văn hóa phi vật thể?
- Đúng vậy! Có thể lấy ví dụ trong lĩnh vực âm nhạc. Những năm gần đây bên cạnh trình diễn nguyên bản các làn điệu quan họ, chèo, xẩm… thì việc phối khí lại, cải biên những bài bản cổ cho phù hợp với thị hiếu công chúng hiện đại được nhiều nghệ sĩ đương đại áp dụng. Các sản phẩm âm nhạc này không chỉ giúp mang đến những trải nghiệm âm nhạc độc đáo, mà còn góp phần lan tỏa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hôm nay. Và điều này cũng giúp công chúng được tiếp cận, hiểu biết hơn về văn hóa nghệ thuật truyền thống với góc nhìn và cảm xúc mới mẻ; qua đó từng bước củng cố và tăng niềm tự hào với kho tàng văn hóa vô giá mà cha ông để lại.
Vậy nếu áp vào quy định cấm quy định tại Khoản 1 Điều 8, dự thảo Luật, những tác phẩm này có bị coi là vi phạm hay không khi trên thực tế những sáng tác này luôn bám vào âm nhạc dân gian, truyền thống?
Trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tôi cho rằng, một mặt cần bảo tồn theo nghĩa nguyên trạng/nguyên bản, nhưng mặt khác cũng cần khuyến khích sự sáng tạo, làm mới những giá trị truyền thống để những giá trị truyền thống không chỉ được bảo tồn một cách xơ cứng mà được phát huy, phát triển.
- Xin cảm ơn ông!
ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam): Các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8, dự thảo Luật quy định đến 13 hành vi bị nghiêm cấm, tăng 8 nhóm hành vi so với luật hiện hành. Tuy nhiên, có nhiều nội dung cấm chưa thuyết phục và chưa phù hợp với thực tiễn. Ví dụ như cấm tự ý tìm kiếm, trục vớt các di vật, cổ vật còn chìm đắm dưới nước Khoản 7, Điều 8. Điều này đồng nghĩa với việc vô tình nhặt được các di vật, cổ vật như trong quá trình đánh bắt thủy sản, hải sản đã vi phạm pháp luật mà chưa cần xem xét đến việc có giao nộp hay không là chưa phù hợp và không khả thi, mâu thuẫn với điểm d, Khoản 1, Điều 5, tìm được di vật, cổ vật giao nộp cho cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, việc quy định cấm mua bán, sưu tầm di vật, cổ vật có nguồn gốc không hợp pháp Khoản 8, Điều 8 và mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản sản tư liệu Khoản 11, Điều 8 là chưa mang tính bao quát, vì mua bán cổ vật có nguồn gốc không hợp pháp đã được xem là hành vi mua bán trái phép. Đồng thời, điều này dễ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau như mua bán di sản tư liệu, bảo vật quốc gia có nguồn gốc không hợp pháp vẫn không trái với quy định tại Điều 8.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, sửa đổi các hành vi bị nghiêm cấm cho thống nhất với quy định của dự thảo Luật, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, dàn trải và không bao quát đầy đủ các hành vi bị nghiêm cấm.