Cộng đồng trách nhiệm, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn

- Thứ Năm, 26/01/2023, 06:03 - Bản đầy đủ

LƯƠNG ANH TẾ - Nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV, tinh thần chủ động, quyết tâm đổi mới từ công tác tổ chức đến nội dung, phương thức hoạt động của Quốc hội; từ hoạt động lập pháp đến giám sát đã mang lại những dấu ấn đáng ghi nhận, thể hiện rõ phương châm: dân chủ, trách nhiệm, vì nhân dân. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu bật tầm quan trọng của việc chủ động nắm bắt được tình hình kinh tế - xã hội từ sớm, từ xa; cộng đồng trách nhiệm để kịp thời tháo gỡ về thể chế, chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống.

Cộng đồng trách nhiệm, kịp thời tháo gỡ về thể chế, chính sách

Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV có tới 38,6% đại biểu hoạt động chuyên trách, tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Các cơ cấu đại biểu là phụ nữ, trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu đặt ra. Đặc biệt, tỷ lệ ĐBQH là người dân tộc thiểu số đạt 17,84% - cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ đại biểu là phụ nữ đạt 30,26% - cao nhất từ Quốc hội Khóa VI trở lại đây.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022. Nguồn: quochoi.vn

Ngay tại phiên họp trọng thể đầu tiên của khóa mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi ĐBQH: tất cả các đại biểu Quốc hội khóa này cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó. Tổng Bí thư yêu cầu: Quốc hội “tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động”.

Theo tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: bản thân Quốc hội phải luôn luôn tự đổi mới và tự hoàn thiện. Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh: Quốc hội và các ĐBQH Khóa XV tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, gần dân, trọng dân, cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân; phát huy tối đa năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn, đem “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường, hiến kế giúp Quốc hội Khóa XV tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Đảng đoàn Quốc hội đã xây dựng các đề án nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu bật tầm quan trọng của việc chủ động nắm bắt được tình hình kinh tế - xã hội từ sớm, từ xa, sát thực tiễn; cộng đồng trách nhiệm để kịp thời tháo gỡ về thể chế, chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Trong đó, việc Quốc hội tổ chức các kỳ họp bất thường cũng là một đổi mới về phương thức hoạt động để cùng Chính phủ giải quyết kịp thời những phát sinh trong thực tiễn. Sự phối hợp chặt giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Chính phủ, cùng các bộ, ngành liên quan, nhằm tránh rơi vào tình trạng “quyền anh quyền tôi” giữa hai nhánh quyền lực Nhà nước, thực hiện đúng quan điểm của Đảng là quyền lực nhà nước có sự phân công, phối hợp và sự giám sát giữa các nhánh quyền lực.

Thúc đẩy sự phát triển của đất nước

Trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây đều xác định những đột phá chiến lược, trong đó, đột phá về thể chế được đặt lên hàng đầu. Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa XV, một trong những yêu cầu đổi mới được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc trước toàn thể đại biểu, đó là: “Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước...". Tổng Bí thư yêu cầu: đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu Quốc hội luôn theo đuổi là phải xây dựng được một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi và đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phục vụ đất nước phát triển bền vững cũng như hội nhập quốc tế. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu phải khắc phục cho được tình trạng “luật khung”, “luật ống”, trước hết phải cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng tại Đại hội XIII với rất nhiều điểm mới; đồng thời, cần rà soát để phát hiện vướng mắc, chồng chéo, bất cập trong quy định của pháp luật, bao gồm cả luật và nghị định, thông tư và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Quốc hội Khóa XV đã để lại ấn tượng sâu sắc ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, với những quyết định mạnh mẽ, kịp thời để cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Cử tri và các ĐBQH bày tỏ đồng thuận rất cao với quyết đáp đặc biệt của Quốc hội khi trao thêm quyền hạn, tạo thêm dư địa cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Những quyết sách kịp thời đã góp phần đẩy lùi đại dịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Một đổi mới nữa trong hoạt động lập pháp của Quốc hội Khóa XV cũng phải kể đến, đó là hoạt động tham vấn nhân dân thông qua việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế -  Xã hội năm 2022. Tại diễn đàn, ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý, kể cả các chuyên gia nước ngoài được trình bày khách quan, trung thực nhất, kể cả các ý kiến trái chiều cũng được trao đổi, "mổ xẻ" để đi đến nhận thức chung, thống nhất. Trên cơ sở đó, các nhà hoạch định chính sách lựa chọn, thể chế hóa thành chính sách ở tầm vĩ mô, bởi mọi chính sách, pháp luật đều hướng đến phục vụ người dân và quản lý xã hội hiệu quả nhất.

Tăng cường thảo luận, tranh luận

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu trong nhiệm kỳ Khóa XV: Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi; chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay đã đánh dấu sự tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và cách làm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát. Chủ tịch Quốc hội xác định tinh thần giám sát là có trọng tâm, trọng điểm; làm đến nơi đến chốn, truy đến cùng sự việc; xác định trách nhiệm giải trình của tập thể, cá nhân; nêu ra kiến nghị xác đáng; đồng thời, phải coi trọng giám sát thực hiện các kiến nghị của giám sát. Điểm mới nữa là, các Đoàn giám sát đã huy động sự phối hợp tham gia giám sát của HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội và các Đoàn ĐBQH chịu trách nhiệm bước đầu về kết quả giám sát, tính xác thực của báo cáo tại địa phương.

Hoạt động chất vấn tại các kỳ họp tiếp tục được quan tâm đổi mới. Từ lấy nhóm vấn đề chất vấn làm trọng tâm đến việc Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về chất vấn tại phiên bế mạc kỳ họp. Từ các câu hỏi chất vấn không cho biết trước, đòi hỏi người trả lời phải thực hiện tốt hơn chức trách quản lý của mình để có thể bao quát, nắm chắc tình hình lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý; đến sự tham gia giải trình của các thành viên Chính phủ nhằm tăng cường đối thoại, tranh luận, bám sát và đi đến cùng nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc thiết thực và hiệu quả nhất.

Đặc biệt, đổi mới trong điều hành của Chủ tọa là nhân tố cơ bản hướng hoạt động của Quốc hội nói chung, hoạt động chất vấn nói riêng chuyển sang tăng cường thảo luận và tranh luận. Đại biểu và cử tri đánh giá cao cách điều hành khoa học, quyết đoán nhưng cũng rất linh hoạt của chủ tọa các phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong thời gian qua. Công tác điều hành phiên chất vấn đã kịp thời làm rõ nội dung chất vấn, định hướng thành viên Chính phủ và ĐBQH đi vào đúng trọng tâm vấn đề chất vấn; đưa ra được giải pháp thiết thực, hiệu quả đi kèm với nhiệm vụ, trách nhiệm và thời gian thực hiện để sớm tạo chuyển biến thực chất.

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP