Cấm lập danh sách khống về người đăng ký tham gia đấu giá
Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 3 như sau: “Việc đấu giá đối với chứng khoán được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán; việc đấu giá đối với tài sản công của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; việc đấu giá đối với biển số xe được thực hiện theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ”.
Sửa đổi, bổ sung Điều 4 về tài sản đấu giá, đó là tài sản mà pháp luật quy định phải đấu giá bao gồm: Quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản; quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện; quyền sử dụng mã, số viễn thông và tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” theo quy định của pháp luật về viễn thông; quyền sử dụng rừng, cho thuê rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp… Đồng thời, tài sản không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này mà cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn đấu giá.
Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản về hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9), như: sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 “Lập danh sách khống về người đăng ký tham gia đấu giá; lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động đấu giá tài sản; thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, hồ sơ mời tham gia đấu giá, hồ sơ tham gia đấu giá, dìm giá, nâng giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;”.
Sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 2 “Lập danh sách khống về người đăng ký tham gia đấu giá; lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động đấu giá tài sản; thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, hồ sơ mời tham gia đấu giá, hồ sơ tham gia đấu giá, dìm giá, nâng giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản”…
Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản không được lộ thông tin của người đăng ký tham gia đấu giá
Trước đó, trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về tài sản đấu giá (Điều 4), có ý kiến đề nghị đấu giá biển số xe phải thực hiện theo quy trình, thủ tục đấu giá tài sản của Luật Đấu giá tài sản; đề nghị bổ sung quy định đấu giá tín chỉ carbon.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, đối với đấu giá biển số xe, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 3 của Luật hiện hành theo hướng “việc đấu giá biển số xe được thực hiện theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ”, nhằm bảo đảm phù hợp với tính chất đặc thù của việc đấu giá biển số xe.
Đối với đấu giá tín chỉ carbon, tại điểm p, khoản 1, Điều 4 dự thảo Luật đã có quy định chung mang tính khái quát đối với tài sản khác mà pháp luật chuyên ngành quy định phải đấu giá để bảo đảm tính bao quát, đầy đủ và dự liệu trước các tài sản có thể phát sinh trong tương lai, trong đó có tín chỉ carbon. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá khi tổng kết việc thực hiện thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon để có cơ sở đưa loại tài sản này ra đấu giá theo trình tự, thủ tục của Luật Đấu giá tài sản.
Về hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9), có ý kiến đề nghị chuyển quy định "Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản không được sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác” tại Điều 39 vào Điều 9 về hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm tính thống nhất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và chuyển quy định tại Điều 39 về tổ chức hành nghề đấu giá tài sản không được sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác vào điểm d2, khoản 2, Điều 9 như tại dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung hành vi bị nghiêm cấm “Người có tài sản đấu giá hạn chế tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá không đúng quy định của pháp luật”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu và thể hiện như tại dự thảo Luật (bổ sung điểm b1, khoản 4, Điều 9), tương tự như quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 9 về việc nghiêm cấm đối với đấu giá viên.
Có ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm d, khoản 2 như sau: “Để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá, trừ trường hợp cung cấp thông tin cho người có tài sản khi người có tài sản yêu cầu”, vì theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 47 thì người có tài sản đấu giá có quyền giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá là thông tin quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đấu giá tài sản. Do đó, chỉ có tổ chức hành nghề đấu giá tài sản mới được tiếp cận và chịu trách nhiệm bảo mật, không được để lộ thông tin. Người có tài sản đấu giá có thể giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá tài sản nhưng bằng cách thức giám sát phù hợp khác, bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch.