Phụ nữ hiện chiếm gần một nửa trong số 950 triệu cử tri đã đăng ký của Ấn Độ nhưng chỉ chiếm 15% số nhà lập pháp trong Quốc hội và 10% trong các hội đồng bang, khiến nền dân chủ lớn nhất thế giới đứng cuối bảng xếp hạng toàn cầu về bình đẳng giới trong các cơ quan lập pháp. Hạn ngạch 33% cho phụ nữ sẽ không áp dụng cho Thượng viện và cơ quan lập pháp tiểu bang.
Dự luật do Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi mới đây trong phiên họp đặc biệt của Quốc hội mới, đã nhận được sự ủng hộ của tất cả các nhà lãnh đạo đảng đối lập. Theo Chủ tịch Hạ viện Om Birla, đề xuất đã được thông qua với hơn 2/3 số thành viên có mặt tại Hạ viện. Hơn 450 nghị sĩ từ các đảng phái đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật, hai nghị sĩ bỏ phiếu chống và khoảng 80 người không có mặt.
Dự luật hiện cần có sự chấp thuận của các nhà lập pháp ở Thượng viện và đa số hội đồng bang.
Ông Najma Heptulla, cựu nghị sĩ liên bang, người đã ủng hộ đạo luật này trong nhiều thập kỷ, cho biết: “Đó là hành trình dài và mệt mỏi để phụ nữ bảo đảm các quyền chính trị bình đẳng và cuối cùng lịch sử đã được tạo ra ngày hôm nay”. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah phát biểu trước Quốc hội: “Dự luật là dấu hiệu của sự tôn trọng phụ nữ và là sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới”.
Trước đó, sáu nỗ lực thông qua dự luật đã thất bại kể từ khi nó được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1996.
Tìm kiếm sự ủng hộ từ số lượng cử tri nữ Ấn Độ đi bầu ngày càng tăng, đảng của Thủ tướng Modi lên kế hoạch đề cử phụ nữ vào 1/3 số ghế tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử năm 2024 ngay cả trước khi dự luật này được đưa ra.