Hoàn thành 81% kế hoạch đề ra
Sở Công thương Phú Yên cho biết, năm 2023 các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Phú Yên tập trung chủ yếu vào nguồn kinh phí khuyến công địa phương, với 6 đề án, tổng kinh phí thực hiện là 810 triệu đồng. Đến nay, đã triển khai hoàn thành đạt 81% kế hoạch đề ra.
Cụ thể, đề án “Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Phú Yên năm 2023”, kinh phí hỗ trợ 94 triệu đồng với 22 sản phẩm đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh của 17 cơ sở công nghiệp nông thôn gồm nhiều sản phẩm như: nước mắm, mắm thơm, nem chả, gà ủ muối, bò một nắng, đông trùng hạ thảo, trà tim sen, hạt mắc ca sấy, bột ngũ cốc; mây tre đan, đá mỹ nghệ; phân bón, thuốc thú y thủy sản.
Về hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia Hội nghị, Hội chợ triển lãm trong nước, Trung tâm đang thực hiện với 2 đề án, với tổng kinh phí hỗ trợ là 356,3 triệu đồng. Đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ cho hơn 28 cơ sở công nghệ nông thôn tham gia Hội chợ triển lãm Công Thương- OCOP Thái Nguyên 2023, Hội chợ Xuân Phú Yên 2023, Hội chợ công nghiệp Thương mại tại Phú Yên với hơn 40 gian hàng.
Đã hỗ trợ cho sản phẩm nước mắm gắn với Hộ kinh doanh Ngân Mỹ Á tại xã An Phú, thành phố Tuy Hòa, với kinh phí hỗ trợ là 25,7 triệu đồng.
Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất đã thực hiện với 22 đề án, tổng kinh phí hỗ trợ là 334 triệu đồng, gắn với sản xuất gạo thương phẩm tại Hộ kinh doanh Tường Liên tại CCN Hòa An, xã Hòa An, huyện Phú Hòa, và trong sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ ngành nuôi trồng thủy sản gắn với Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Vạn Phát Đạt tại xã Hòa Tân Đông, thị xã Đông Hòa.
Với sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương nhìn chung đã góp phần giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất, tiếp cận được với các chính sách khuyến công… Đồng thời, các hoạt động về dịch vụ tư vấn được Sở Công Thương, các địa phương, doanh nghiệp tạo điều kiện để duy trì hoạt động ổn định trong thời gian qua.
Mặc dù các địa phương trong tỉnh rất quan tâm đến chương trình khuyến công nhưng chậm có đề án hoặc chưa xây dựng được các đề án phù hợp và khả thi để làm cơ sở triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ nên kinh phí đầu tư cho hoạt động sản xuất và phát triển thị trường còn hạn chế.
Đặc biệt, nguồn ngân sách tỉnh bố trí cho hoạt động khuyến công còn hạn chế nên chưa thật sự tạo sự khuyến khích đầu tư từ phía cơ sở.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án
Việc hoàn thành kế hoạch khuyến công địa phương năm 2023 sẽ góp phần giúp đạt các chỉ tiêu chủ yếu của ngành Công thương như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9%; Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 21.930 tỷ đồng, tăng 7,2%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 46.061 tỷ đồng, tăng 5,3%; kim ngạch xuất khẩu đạt 240 triệu USD, tăng 1,7%; nhập khẩu đạt 164 triệu USD, tăng 12,3% so với năm 2022.
Do đó, thời gian tới, Sở Công thương Phú Yên sẽ tập trung xây dựng kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án đã được phê duyệt. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo hoàn thành đề án đúng tiến độ, sử dụng kinh phí đúng mục đích, chế độ quy định.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời thông tin về chính sách, về hoạt động khuyến công, hoạt động tư vấn đến các địa phương, cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tìm kiếm dự án để phát triển hoạt động tư vấn công nghiệp; kịp thời nắm bắt thông tin, nâng cao năng lực để mở rộng hoạt động, lĩnh vực tư vấn phù hợp với điều kiện của Trung tâm.
Sở Công thương cũng đề xuất, UBND tỉnh quan tâm, tạo điều kiện và bố trí kinh phí để hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh tiếp cận các chương trình hỗ trợ khuyến công để từng bước đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai và nghiệm thu các đề án khuyến công trên địa bàn quản lý và tuyên truyền giới thiệu chương trình khuyến công đến doanh nghiệp trên địa bàn để dễ dàng tiếp cận hơn.
Các cơ sở, doanh nghiệp thụ hưởng tích cực đầu tư nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh để mở rộng sản xuất; không ngừng cải tiến sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm góp phần từng bước cải thiện thu nhập cho lao động nông thôn.
Ngoài ra, Cục Công Thương địa phương quan tâm, kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn khuyến công quốc gia.