Trường học là nơi cả cô và trò muốn đến
Những ngày này, ở lớp 3A7, Trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội) xuất hiện hòm thư Điều em muốn nói, hòm thư chính là địa chỉ nhận những tâm sự, trải lòng những niềm vui, nỗi buồn, bức xúc của học sinh trong lớp trước những điều chưa đúng của bạn học mình, trước những bài tập mà học sinh cho rằng cô giáo cho điểm chưa đúng…Có lá thư đề tên, nhưng có lá thư thì không, thế nhưng, chỉ cần đọc là cô giáo biết ngay là trò nào và nhờ những lá thư này mà cô trò hiểu nhau hơn…
Cùng với việc xây dựng hòm thư Điều em muốn nói, năm học 2020 - 2021 trường Tiểu học Dịch Vọng B cũng có nhiều đổi mới trong các hoạt động nhằm hướng tới mục tiêu giáo dục và phát triển bền vững, lấy học sinh làm trọng tâm, tạo cơ hội cho các em bộc lộ bản thân, phát huy khả năng sáng tạo và năng lực phẩm chất của mình. Một trong các hoạt động đó phải kể đến việc xây dựng nội quy lớp học. Việc giáo viên đồng hành cùng học sinh xây dựng nội quy của lớp đã tạo ra một môi trường bình đẳng, học sinh được nêu quan điểm, bày tỏ chính kiến, xây dựng mối quan hệ hợp tác, nhóm đoàn kết, dân chủ…cùng nhau tạo ra các quy tắc và thực hiện các quy tắc đó một cách chủ động, hiệu quả.
Chia sẻ về những hoạt động ý nghĩa nằm trong chuyên đề Xây dựng trường học hạnh phúc mà Trường Tiểu học Dịch Vọng B triển khai trong năm học vừa qua, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dịch Vọng B Đỗ Thị Mai cho biết, tập thể nhà trường đã và đang đồng hành cùng nhau xây dựng trường học hạnh phúc. “Trường học hạnh phúc sẽ là nơi khiến cả cô và trò đều có cảm giác muốn đến. Nơi đó là gia đình lớn có niềm vui, sự mong chờ và những rung cảm. Tại trường chúng tôi, giáo viên được tham gia những buổi tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để làm công cụ xây dựng sự tự tin bắt nhịp với những đổi mới trong giáo dục, phương pháp dạy học tích cực, năng lực ứng xử sư phạm và đạo đức nhà giáo…Với các em học sinh, thầy cô luôn cố gắng từng ngày để thay đổi mình, từ những điều nhỏ nhất để mang lại những cảm xúc tích cực, vui vẻ cho học trò”, cô Mai chia sẻ.

“Chúng ta bắt tay vào làm rồi sẽ thành công”
Xây dựng “Trường học hạnh phúc” đang là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành Giáo dục. Tiêu chí quan trọng để xây dựng nên Trường học hạnh phúc là: yêu thương, an toàn và tôn trọng; đồng thời chú trọng nâng cao năng lực sư phạm, ứng xử văn hóa học đường. Đây được coi là những yếu tố quyết định để xây dựng nên Trường học hạnh phúc.
Hiện nay, nhiều nhà trường đã và đang triển khai nhiều hoạt động khác nhau để xây dựng Trường học hạnh phúc. Tuy nhiên, cô giáo Bùi Thị Ngọc Lan, Giáo viên Ngữ văn Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội) cho rằng, xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, nói thì dễ nhưng để thực hiện thành công thì cần rất nhiều tâm huyết của các cơ sở giáo dục. “Nói về trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc không dễ chút nào khi bạn không xuất phát từ những trải nghiệm thay đổi của thực tiễn. Bạn sẽ nói ra một thứ luân lí sáo rỗng. Chúng ta phải có sự thực hành, hiểu rõ bản chất, giá trị của nó chúng ta mới mạnh dạn “nói dễ được”.
“Mỗi người đều có quan điểm khác nhau về giờ học, tiết học hạnh phúc nhưng dù có như thế nào thì đó đều để nói đến cảm xúc tích cực của cả người dạy và người học. Thầy làm tròn vai trò dẫn dắt, hướng dẫn, là "nhạc trưởng" của giờ học. Trò được tôn trọng cảm xúc, thỏa sức bộc lộ năng lực, suy nghĩ, được chia sẻ, được lĩnh hội kiến thức để giải quyết các tình huống liên quan đến bài học và cuộc sống. Đặc biệt, trong các giờ học hạnh phúc hay tiết học hạnh phúc, ở đó cả thầy - trò đều chủ động, tích cực và tràn đầy hứng khởi…”, cô Lan nói.
Đồng quan điểm và khẳng định giáo viên hiện nay đang phải chịu nhiều tác động, do đó Giám đốc quốc gia Quỹ Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông Đặng Tự Ân cho rằng, khi giáo viên đủ hiểu biết, trình độ, kỹ năng để trút bỏ áp lực, lớp học, học sinh sẽ hạnh phúc. Hiệu trưởng là người giúp giáo viên thoát khỏi những áp lực, sự quá tải trong dạy học. Nếu không giáo viên không còn sức, đâu nghĩ đến trường học hạnh phúc. Trường học với bầu không khí căng thẳng và bất an thì trường học hạnh phúc chỉ là điều viển vông.
“Trường học hạnh phúc không phải dễ làm một khi thực tế lại quá nhiều bức xúc, lo âu, chỉ trích, than phiền hay đổ lỗi. Trong trường hợp này, phương pháp suy nghĩ tích cực là một cứu cánh. Mỗi giáo viên hãy bình tĩnh để phân tích, tổng hợp, tìm căn nguyên để rồi có cách ứng xử, với thái độ sống của mình để có suy nghĩ tích cực. Thầy cô cứ áp dụng vì nó dễ làm, miễn phí và mang lại ngay kết quả, chúng ta bắt tay vào làm sẽ thành công”, ông Ân nói.
Dự án Trường học Hạnh phúc là một trong số các hoạt động của Quỹ VIGEF phối hợp cùng Công đoàn giáo dục Việt Nam triển khai cho các trường phổ thông trong toàn quốc. Mỗi nhà trường bắt đầu từ Hiệu trưởng để cùng nhau thảo luận rồi cùng nhau thực hiện khung tiêu chí, gồm 3 nhóm (nhóm 3P về trường học hạnh phúc), do UNESCO đưa ra về những gì có thể xây dựng để mỗi nhà trường trởthành THHP: Về con người (People), bao gồm các mối quan hệ có liên quan trong trường học. Sống bao dung, tôn trọng và đầy lòng trắc ẩn. Về quá trình (Process), bao gồm đổi mới các phương pháp dạy học. Quá trình học tập là quá trình hạnh phúc. Về địa điểm (Place), bao gồm các yếu tố về môi trường của trường học. Trường học là công trình văn hóa, nơi an toàn, sống có phong cách và có sức cuốn hút, níu kéo mọi người.