Tọa đàm “Kết nối Nhà trường với Doanh nghiệp: Đào tạo gắn liền với thực tiễn” của Trường Đại học Điện Lực vừa tổ chức đã đem đến những thông tin hữu ích, phần nào giải quyết những nỗi lo của sinh viên cũng như các doanh nghiệp hiện nay.
Đào tạo gắn liền với thực tiễn
Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong kỷ nguyên số và xu thế phát triển kinh tế xanh, bền vững, nguồn nhân lực chất lượng cao đang đóng vai trò quyết định trong chiến lược tăng trưởng của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Điện Lực đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng gắn lý thuyết với thực hành để trang bị cho sinh viên hành trang tốt nhất khi ra trường.
Theo đó, nhà trường thường xuyên mời các chuyên gia từ các doanh nghiệp tham gia giảng dạy nhằm cung cấp thông tin, kỹ thuật mới nhất để nâng cao trình độ cho giảng viên và sinh viên.
Đồng thời, tìm hiểu nhu cầu, mong muốn của doanh nghiệp trong thực hiện liên kết đào tạo để xây dựng chuẩn đầu ra, có thể đáp ứng các yêu cầu riêng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tích cực thực hiện quy trình, hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp để cải tiến chương trình đào tạo có liên quan đến nội dung hợp tác.

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp đã chia sẻ về những nhu cầu và yêu cầu trong quá trình tuyển dụng và mức độ đáp ứng của sinh viên hiện nay.
Theo Phó Giám đốc MobiFone TP Hà Nội 2, Công ty Dịch vụ MobiFone Khu vực 1 Trịnh Khắc Thắng: “Mobifone là tốp 100 doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất, mỗi năm chúng tôi tuyển dụng rất nhiều bạn sinh viên mới, trong đó có nhiều sinh viên của Trường Đại học Điện Lực. Đa số các bạn sinh viên được trang bị kiến thức chuyên môn và có sự tự tin, điều này minh chứng rằng các trường Đại học hiện nay, đặc biệt là Trường Đại học Điện Lực có chương trình đào tạo rất bài bản, gắn đào tạo lý thuyết với thực hành để các em sinh viên có trải nghiệm thực tế trước khi ra trường”.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, sinh viên mới ra trường còn nhiều hạn chế như chưa có kinh nghiệm; nhiều sinh viên còn thiếu kỹ năng giao tiếp để có thể nhanh chóng làm quen với môi trường và hòa nhập vào văn hóa của từng doanh nghiệp.
Do đó, ông Thắng cho rằng, các nhà trường cần tập trung giải quyết tốt vấn đề này bằng cách liên kết sâu hơn với doanh nghiệp để sinh viên có thể thực tập lâu hơn tại các doanh nghiệp để có có hội va chạm, trải nghiệm, từ đó có thể rèn luyện thêm nhiều kỹ năng và có kinh nghiệm nhiều hơn.

Cũng theo Giám đốc Thị trường Công ty Cổ phần Đầu tư Thái dương Á châu Nguyễn Việt Phương, khi đánh giá một ứng viên, doanh nghiệp sẽ đánh giá thông qua kinh nghiệm; kỹ năng, năng lực chuyên môn; thái độ.
Trong ba yếu tố này thì kỹ năng, năng lực chuyên môn sẽ là những thứ mà chắc chắn nhà trường sẽ trang bị đầy đủ cho các em sinh viên. Kinh nghiệm thì các em bắt buộc phải rèn luyện qua từng năm tháng. Còn thái độ với công việc, với tập thể là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định việc các em có thể tồn tại và phát triển ở một đơn vị.
Ông Phương khẳng định: “Ngoài việc cầu tiến, ham học hỏi, các bạn sinh viên cần rèn luyện tư duy phản biện để làm sao bảo vệ được ý kiến cá nhân nếu đó là một ý kiến hay, mang lại lợi ích cho tập thể. Bên cạnh đó, luôn tư duy tích cực để học hỏi đồng nghiệp và không bị sốc văn hóa khi gia nhập bất kể đơn vị, doanh nghiệp nào”.
Mở rộng mạng lưới hợp tác với doanh nghiệp
Tại tọa đàm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện Lực, PGS.TS Nguyễn Lê Cường khẳng định: nhà trường luôn chú trọng việc gắn kết với doanh nghiệp và coi đây là nhiệm vụ hàng đầu, then chốt. Nhà trường cũng luôn chú trọng mở rộng mạng lưới liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, mời doanh nghiệp tham gia sâu vào kế hoạch đào tạo của nhà trường: từ xây dựng chương trình đào tạo, phát triển chương trình đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp; mời các doanh nhân, kỹ sư tham gia giảng dạy sinh viên trong quá trình học tập.
“Nhà trường mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết các bài toán, các nỗi lo của doanh nghiệp và sinh viên hiện nay về kinh nghiệm cũng như kỹ năng.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp trong việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đào tạo; tận dụng nguồn lực của doanh nghiệp để các em sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực tế.
Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tổ chức các học kỳ doanh nghiệp với mục tiêu đưa các em sinh viên tham gia vào các doanh nghiệp sớm hơn, lâu hơn nữa” - ông Cường khẳng định.

Nhấn mạnh công tác đào tạo gắn liền với thực tiễn tại Trường Đại học Điện Lực, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Điện lực, ThS. Đỗ Hữu Chế cho biết: Với vai trò là đơn vị đầu mối kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, Trung tâm Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ sinh viên tiếp cận môi trường thực tiễn. Điển hình, thông qua các hội nghị, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, ngày hội việc làm,… Đây là các hoạt động nhằm rèn luyện kỹ năng cho các sinh viên và tạo điều kiện để sinh viên được trải nghiệm thực tế, thực tập và làm việc ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

“Ngày hội việc làm - EPU’s Job Fair 2025” cũng là một trong các sự kiện thường niên có quy mô lớn của Trường Đại Học Điện Lực thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên. Ngày hội năm nay quy tụ gần 30 doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực mũi nhọn như: Năng lượng - điện lực, công nghệ thông tin, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử, và logistics. Các doanh nghiệp không chỉ mang đến hàng trăm cơ hội việc làm, thực tập hấp dẫn, mà còn trực tiếp phỏng vấn và tuyển dụng sinh viên ngay tại sự kiện.
Theo đánh giá của đa số sinh viên Trường Đại học Điện Lực, sự kiện ngày hội việc làm đã giúp sinh viên có cơ hội được mở rộng hiểu biết về nhiều doanh nghiệp: các nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu của từng vị trí việc làm; đặc điểm, môi trường của doanh nghiệp. Nhiều sinh viên sau khi tham gia tư vấn tại một số gian hàng của doanh nghiệp đã lựa chọn nộp hồ sơ, nhiều sinh viên đã trúng tuyển ngay trong Ngày hội việc làm của trường.
Với triết lý “giáo dục toàn diện, vững nền tảng, bền tương lai” cùng mục tiêu trở thành trường đại học theo hướng ứng dụng hàng đầu Việt Nam, Trường Đại học Điện Lực đang hoạt động theo mô hình tự chủ toàn diện, hội nhập nền giáo dục quốc tế, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã đáp ứng tốt tính thực tế nhằm bám sát chủ trương, định hướng trong phát triển kinh tế, xã hội của Đảng, Chính phủ và Bộ Công Thương.