Doanh nghiệp nhà nước ở Đức
Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế đến Cộng hòa Liên bang Đức để nghiên cứu về doanh nghiệp nhà nước theo lời mời của Viện Friedrich Ebert.
Giáo sư Neugebauer, Đại học Tổng hợp Tự do Berlin giới thiệu với đoàn bằng câu chuyện chạy đua về kinh tế giữa Đông - Tây Berlin ngày trước, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ngày nay, rằng người Berlin không mấy hào hứng với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ công. Thay vì tiếp tục cổ phần hóa thì người dân Berlin lại muốn chính quyền thành phố mua lại một số nhà máy điện, hệ thống truyền tải vốn khi cổ phần hóa trước đây đã bán cho nhà đầu tư tư nhân đến từ Thụy Điển. Vận tải hành khách công cộng chủ yếu vẫn do nhà nước thực hiện, các doanh nghiệp tư nhân là thứ yếu, chỉ nhận thầu một số tuyến nhất định.
Ông Reil, Trưởng phòng phụ trách khối doanh nghiệp nhà nước, Sở Tài chính Berlin cho biết, hiện bang Berlin có 55 doanh nghiệp nhà nước thuộc bang, trong đó có 47 công ty TNHH một thành viên thành lập theo luật doanh nghiệp, 6 công ty thành lập theo luật công (thực chất là đơn vị sự nghiệp nhà nước có thu), 53 tỷ euro vốn, sử dụng 47.800 lao động, năm 2013 lãi 455 triệu euro, chủ yếu là đầu tư vào ngân hàng đầu tư bang, quản lý 280 nghìn căn hộ cho thuê, quỹ đất, bất động sản của bang, vận tải hành khách công cộng bao gồm đường sắt, tàu điện nổi, tàu điện ngầm, công ty hội chợ, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, quản lý một số cơ sở văn hóa, y tế.
Ở Đức, nhà nước chỉ đầu tư hoặc góp vốn thành lập một doanh nghiệp nhà nước khi có lợi ích quan trọng của cộng đồng mà không thể đạt được một cách tốt hơn và kinh tế hơn bằng một phương thức khác. Theo giáo sư Keshler, Đại học kinh tế và kỹ thuật Berlin, yêu cầu này được quy định tại Điều 65 của Luật Ngân sách Liên bang. Nhà nước không đầu tư hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp nếu mục đích thành lập doanh nghiệp chỉ là thu lời qua việc góp vốn. Tóm lại, nhà nước chỉ thành lập hay góp vốn thành lập doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có vốn đầu tư của nhà nước khi có một lợi ích công, nhằm bảo đảm các điều kiện sống cơ bản của người dân, vượt lên trên mục tiêu kinh doanh thuần túy.
Khái niệm “kinh tế thị trường xã hội” xuất phát từ Đức, sau đó được đưa vào các văn kiện của Liên minh châu Âu. Mô hình này có nghĩa là luôn phải tính đến lợi ích của người lao động song song với đánh giá lợi ích kinh tế trong các hoạt động kinh tế. Do đó, khi đấu thầu các dự án đầu tư công, mua sắm công, dịch vụ công, giá bỏ thầu rẻ nhất chưa chắc đã tốt nhất mà chính chất lượng công trình, dự án và chất lượng dịch vụ công mới là quan trọng.
Luật của Đức cũng quy định, trước khi nhà nước đầu tư hay tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp, trong nhiều trường hợp, nhà nước phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân cơ hội trình bày khả năng họ có thể thực hiện các nhiệm vụ của nhà nước nhằm thỏa mãn các lợi ích công tốt như nhà nước làm, hoặc tốt hơn. Trong trường hợp này nhà nước phải nhường chỗ cho nhà đầu tư tư nhân thực hiện. Một số dịch vụ công cộng do doanh nghiệp tư nhân thực hiện, nhà nước có thể hỗ trợ, bù giá, hay trợ cấp thông qua đấu thầu ở mức độ nhất định để mức giá dịch vụ người dân có thể chấp nhận được, chứ không phải để doanh nghiệp kiếm lời, như trong dịch vụ vận tải hành khách công cộng.
Nếu nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp lấy từ ngân sách trung ương, thì thẩm quyền quyết định việc góp vốn là của Quốc hội, nếu lấy từ ngân sách địa phương sẽ do Hội đồng nhân dân địa phương quyết định. Nhà nước cũng như chính quyền địa phương có quyền lợi và trách nhiệm đối với doanh nghiệp tương ứng với phần vốn góp vào doanh nghiệp đó theo Luật doanh nghiệp. Người đại diện vốn chủ sở hữu là nhà nước tại doanh nghiệp phải có những kiến thức và khả năng chuyên môn cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của mình và nếu chưa có thì phải được đào tạo một cách thích ứng.
Nhà nước không cử công chức tham gia ban điều hành doanh nghiệp nhà nước mà thực hiện tuyển dụng nhân sự trên thị trường lao động với các quy định về trách nhiệm vật chất và cam kết bồi thường bằng tài sản cá nhân nếu gây ra thiệt hại do lỗi chủ quan của người quản lý, điều hành doanh nghiệp. Do đó, thường các công ty sẽ phải mua bảo hiểm rủi ro điều hành ở mức tỷ lệ nhất định so với thiệt hại có thể xảy ra.
Vai trò của Quốc hội
Trao đổi với các ĐBQH Việt Nam, các thành viên Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Đức cho biết, Quốc hội không thể thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động của các DNNN, Quốc hội cũng không thể ra một quyết định kinh doanh thay cho doanh nghiệp. Tất cả phụ thuộc vào chất lượng thông tin do các doanh nghiệp nhà nước và đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cung cấp trong các báo cáo thường kỳ theo luật định, các tổ chức đánh giá tín nhiệm, các báo cáo kiểm toán độc lập. Sợi dây liên kết mỏng manh còn lại là quyết định về cấp vốn, cấp kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của nhà nước giao cho doanh nghiệp thông qua phân bổ ngân sách nhà nước, nhưng quyết định chỉ mang tính nguyên tắc. Quốc hội cũng khó có thể phát hiện được những rủi ro trong kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, nhất là các rủi ro về tài chính vì phụ thuộc vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp.