Với thời điểm tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản còn mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, sau 30 năm hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên có một sự kiện lớn về mặt quy mô và tầm vóc như ngày hôm nay, Thủ tướng Chính phủ tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn. Điều này khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, tầm quan trọng của hợp tác lao động trong bối cảnh hai nước đã nâng tầm lên Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng tại khu vực châu Á và trên thế giới.
Hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản phát triển một cách nhanh chóng, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực bao gồm đưa lao động sang Nhật Bản (với các chương trình: thực tập sinh kỹ năng trong đó có chương trình phi lợi nhuận của IM Japan; lao động đặc định; lao động (kỹ sư/phiên dịch); điều dưỡng, hộ lý theo EPA); giáo dục nghề nghiệp; an sinh xã hội. Khẳng định tiềm năng hợp tác còn rất lớn trong thời gian tới, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp của các cơ quan hữu quan để hợp tác lao động giữa Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục phát triển, xứng tầm với mối quan hệ gắn bó chặt chẽ và sâu rộng của hai quốc gia.
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay có 350.000 người lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu trong số 15 nước phái cử thực tập sinh, lao động sang Nhật Bản.
"Năm 2023 đánh dấu cột mốc mới khi số lượng lao động Việt Nam sang Nhật Bản lớn nhất từ trước đến nay, đạt 85.000 người. Điều này khẳng định lao động Việt Nam luôn nhận được sự đánh giá cao, sự tin tưởng của các nghiệp đoàn, các doanh nghiệp Nhật Bản, cũng cho thấy lao động Việt rất yên tâm khi đến mảnh đất này", theo lời Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Trong đó riêng về lĩnh vực lao động, hiện có 220.000 thực tập sinh kỹ năng, gồm chương trình phi lợi nhuận do tổ chức IM Japan tổ chức, tiếp nhận trên 9.000 người. "Năm 2023 có 700 con em đồng bào dân tộc thiểu số được chương trình tổ chức đi lao động ở Nhật bằng hình thức miễn phí 100%", Bộ trưởng Dung cho biết.
Đưa ra nhận định, Bộ trưởng cho rằng hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản đã và đang phát triển một cách nhanh chóng, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, Việt Nam hợp tác lao động với Nhật Bản trên 3 lĩnh vực, gồm lao động, dạy nghề và giáo dục nghề nghiệp; an sinh xã hội.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hợp tác Việt Nam và Nhật Bản trải qua 50 năm phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao, sự gắn kết chặt chẽ trên các lĩnh vực. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ ODA lớn nhất, đứng thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn hợp tác lao động giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển tốt hơn nữa, không chỉ gia tăng số người lao động hay chất lượng nguồn nhân lực sang Nhật Bản làm việc mà còn là những kết quả thực chất khác trên các phương diện: kinh tế - xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giao lưu nhân dân…, góp phần mang lại thịnh vượng chung cho Việt Nam - Nhật Bản, cho khu vực châu Á và thế giới.
Định hướng hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản trong những năm tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu cần hướng tới tuyển dụng và phái cử những lao động có kỹ năng, có trình độ để bắt kịp sự phát triển của thời đại ở một số lĩnh vực ngành nghề Nhật Bản có thế mạnh như bán dẫn, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ trong nông nghiệp…., hình thành lực lượng lao động được đào tạo thông qua làm việc thực tế tại Nhật Bản để góp phần phát triển ngành nghề đó tại Việt Nam. Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các Bộ, ngành liên quan Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, các cơ quan chức năng của Nhật Bản giải quyết các vấn đề vướng mắc nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác lao động giữa hai bên.
Đối với các thực tập sinh, lao động Việt Nam đang làm việc và học tập tại Nhật Bản, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng sẽ tận dụng tốt cơ hội sống và làm việc tại Nhật Bản, học tập được nhiều kiến thức và kỹ năng của một đất nước phát triển, học tập phong cách và thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp và đức tính tốt đẹp của con người Nhật Bản để sau này khi trở về Việt Nam sẽ trở thành những doanh nhân, những người lao động có kỹ năng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, tuân thủ, chấp hành nghiêm luật pháp của Nhật Bản, không ngừng rèn luyện đạo đức, có cuộc sống vui tươi, lành mạnh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam; góp phần vun đắp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi của Nhật Bản đánh giá cao sự đóng góp của lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Các Bộ trưởng cũng thông tin về phương hướng điều chỉnh chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài nhằm thu hút nhiều người lao động nước ngoài sang Nhật Bản làm việc, góp phần bù đắp sự thiếu hụt nhân lực tại Nhật Bản, đồng thời sẽ tiếp tục mục tiêu tham gia hoạt động đào tạo nhân lực cho quốc tế, trong đó có lao động Việt Nam.
Tại Diễn đàn, đại diện các Bộ, ngành liên quan và các tổ chức, doanh nghiệp của hai nước cũng đã cập nhật, chia sẻ các thông tin về tình hình hợp tác lao động trong các lĩnh vực cụ thể, các khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị có liên quan, hướng tới thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia và bảo vệ tốt hơn quyền của người lao động Việt Nam tại Nhật Bản.