Giải quyết những vấn đề mới nổi
Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút đông đảo các đơn vị, chuyên gia trong nước, quốc tế về lĩnh vực phụ nữ và trẻ em. Thông qua đó trao đổi, thảo luận, làm sáng tỏ điểm nổi bật của Việt Nam năm 2024; các lĩnh vực ưu tiên về Quyền của phụ nữ và trẻ em sau năm 2025; hoạt động hợp tác ở cấp quốc gia và khu vực.
Khái quát những thành tựu đáng kể trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ và trẻ em trong ASEAN, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Thị Minh Đức cho biết, việc thực hiện kế hoạch công tác 5 năm (giai đoạn 2012 - 2016 và 2021 - 2025) nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, lồng ghép giới, xóa bỏ tất cả hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em; giải quyết những vấn đề mới nổi ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em ASEAN.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra 1.317 vụ, 1.697 đối tượng, xâm hại hơn 1.300 trẻ em (giảm 31 vụ so với cùng kỳ năm 2023); trong đó số vụ xâm hại tình dục giảm 0,2% so với cùng kỳ.
Để thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam, Phó Vụ trưởng Hà Thị Minh Đức cho biết Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp với các quốc gia xây dựng lộ trình thực hiện tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN. Cùng với đó, triển khai Dự án khu vực về "Nâng cao năng lực cho các cán bộ tuyến đầu trong phòng, chống buôn bán người thông qua sử dụng các phương pháp tiếp cận tập trung vào nạn nhân và có nhạy cảm giới" ở cấp quốc gia.
Đặc biệt, Việt Nam đang tiến hành đánh giá cuối kỳ kế hoạch hành động khu vực ASEAN về chấm dứt bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ giai đoạn 2015 - 2025, xây dựng kế hoạch hành động mới giai đoạn 2026 - 2035; đồng thời đề xuất tiếp tục tham vấn giữa ACWC Việt Nam và các thành viên mạng lưới, đặc biệt đối với các dự án mà Việt Nam chủ trì.
Hoàn thiện chính sách về công tác xã hội, quyền trẻ em
Về những ưu tiên ở khu vực và tại Việt Nam, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam Lê Thị Hồng Loan chia sẻ, Quỹ ưu tiên bảo vệ trẻ em giai đoạn 2022 - 2026 thông qua hỗ trợ thu thập bằng chứng, nghiên cứu các chuẩn mực, kinh nghiệm quốc tế và chia sẻ kết quả để tham khảo trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác xã hội, quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
Bên cạnh đó, tăng cường hệ thống và dịch vụ bảo vệ trẻ em; phát triển nguồn nhân lực dịch vụ xã hội cho bảo vệ trẻ em; hỗ trợ tư pháp với người chưa thành niên; các chương trình nâng cao nhận thức nhằm giải quyết các chuẩn mực xã hội tiêu cực, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, quản lý...
Về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới giai đoạn 2022 - 2026, bà Lê Thị Hồng Loan cho biết, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) sẽ tập trung thúc đẩy hoàn thiện luật pháp chính sách về giới, bạo lực giới, gia đình. Đồng thời, tăng cường phòng ngừa bạo lực giới, bạo lực gia đình; thúc đẩy điều phối liên ngành nhằm bảo đảm việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ thiết yếu có chất lượng cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực; thúc đẩy điều phối liên ngành trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới trong bối cảnh khẩn cấp, thiên tai; tăng cường thu thập số liệu về bạo lực gia đình…
Theo Chánh Văn phòng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kim Hoa, công tác bảo vệ trẻ em trước các nội dung tiêu cực trên không gian mạng và xã hội cần tiếp tục đẩy mạnh. Các chính sách đảm bảo trẻ em không tham gia vào các công việc ảnh hưởng đến học tập, sức khỏe và phát triển tinh thần cũng được quan tâm.
Cũng tại hội thảo, chuyên viên cấp cao Ban thư ký ASEAN Jacel Paguio đã khái quát về kế hoạch công tác của ACWC giai đoạn 2021 - 2025, với các nội dung quan trọng phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, mua bán phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy quyền phụ nữ, trẻ em trong bối cảnh di cư, biến đổi khí hậu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi về khả năng phối hợp, tiếp tục thúc đẩy hành động để bảo đảm quyền của trẻ em ở cấp quốc gia trong thời gian tới. Qua đó tham vấn, đề xuất hoạt động hợp tác tối ưu hiệu quả triển khai ở cấp quốc gia, khu vực.
Để nâng cao hiệu quả công tác, khắc phục những tồn tại, nguy cơ đối với trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, cần đổi mới các hoạt động truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em, bổn phận của trẻ phù hợp từng nhóm đối tượng. Cán bộ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em cần tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn theo trách nhiệm, thẩm quyền việc bố trí hợp lý công chức, viên chức làm công tác trẻ em các cấp; phát triển mạng lưới cộng tác viên làm công tác trẻ em ở cơ sở để thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao.