90% nhà thuốc bán kháng sinh không theo đơn
Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê nhận định, việc phát minh ra kháng sinh được coi là điều kỳ diệu trong y học hiện đại. Thuốc kháng sinh ra đời đã giúp thay đổi lớn trong công tác điều trị, giúp tiêu diệt các vi khuẩn nguy hiểm, nhờ vậy nhiều loại bệnh đã được khống chế. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua cho thấy việc lạm dụng thuốc kháng sinh của con người không hợp lý đã tạo điều kiện cho vi khuẩn xây dựng sức đề kháng với thuốc kháng sinh, khiến chúng hầu như không còn hiệu quả. Nguyên nhân là do tình trạng bán kháng sinh không theo đơn thuốc vẫn còn phổ biến.
Việt Nam là một trong những nước được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới. Bởi hiện nay, có đến 90% nhà thuốc tại Việt Nam bán thuốc kháng sinh không cần kê đơn và 87% người dân có thể đến nhà thuốc mua kháng sinh.
Theo TS.BS. Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Hội Hô hấp TP Hồ Chí Minh, cơ chế của kháng sinh có thể được hiểu đơn giản là khi người bệnh sử dụng kháng sinh, thuốc kháng sinh sẽ tác động trên một hay nhiều bộ phận của tế bào vi khuẩn và tiêu diệt gần như tất cả các loại vi khuẩn, trừ một số loại có khả năng kháng thuốc. Vi khuẩn đề kháng kháng sinh bằng cách thay đổi các đặc tính (cấu trúc hay chuyển hóa…) của các bộ phận của tế bào vi khuẩn làm cho kháng sinh không còn tác dụng giết chết vi khuẩn, sinh ra kháng thuốc. Những vi khuẩn kháng thuốc này tiếp tục phát triển, nhân lên, phát tán và lây nhiễm những người khác khiến thuốc kháng sinh dần mất tác dụng, gây ra tình trạng đề kháng thuốc.
Những vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh gây đe dọa an ninh sức khỏe toàn cầu đang được cảnh báo bao gồm, các chủng Gram âm đường ruột kháng carbapenem, cầu khuẩn ruột kháng vancomycin, tụ cầu vàng kháng methicillin, phế cầu, lậu cầu kháng thuốc, Clostridioides difficile, lao kháng thuốc...
Lo ngại kháng thuốc kháng sinh ở trẻ nhỏ
Ở trẻ nhỏ, tình trạng kháng kháng sinh cũng vô cùng nghiêm trọng. Từ kết quả khám sàng lọc bệnh nhi đến khám và điều trị tại viện, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển cho biết, có khoảng 30% bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc. Một trong những nguyên nhân làm trẻ có vi khuẩn kháng thuốc là do nhiều trẻ được các ông bố bà mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý.
Rất nhiều trường hợp cha mẹ tự làm bác sĩ, tự ý mua thuốc điều trị cho con làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và gây khó khăn cho quá trình điều trị của bác sĩ. Bởi, việc cha mẹ tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh, dùng với liều lượng không thích hợp sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh. Điều này sẽ làm cho quá trình điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn, tốn nhiều thời gian hơn và làm trẻ mệt mỏi hơn.
Không phải bệnh gì dùng thuốc kháng sinh cũng khỏi, nếu dùng không đúng sẽ nguy hại đến sức khỏe. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ. Không thể thấy các biểu hiện của bé giống bệnh này rồi tự ý mua thuốc điều trị bệnh. Trong khi đó, mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau, phản ứng mỗi bé một khác, yếu tố cơ địa mỗi bé một khác nên cùng một bệnh nhưng với mỗi bé lại có cách điều trị riêng.
Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng thuốc, không đến khám bác sĩ mà tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc về điều trị, mua thuốc theo đơn của người khác hoặc nghe theo sự mách bảo của người khác… cũng làm gia tăng số lượng và mức độ các trường hợp dị ứng thuốc. Hậu quả của việc lạm dụng thuốc dẫn đến kháng thuốc là làm cho thời gian điều trị bệnh kéo dài, kéo theo sử dụng nhiều kháng sinh, sẽ lại ảnh hưởng đến kinh tế, giá thành điều trị tăng cao. Đặc biệt, nhiều khuẩn kháng thuốc còn khiến nguy cơ tử vong tăng cao, nhất là với nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn.
Ý thức trong việc sử dụng kháng sinh
Hiện tại, mỗi năm thế giới có khoảng 700.000 tử vong do kháng thuốc. Với tình hình này, WHO dự tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Khi đó, các bệnh thông thường như ho hay chỉ một vết cắt cũng có thể gây tử vong.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết, hiện nay, Việt Nam đã thiết lập ban chỉ đạo, điều hành, đơn vị điều phối về kháng thuốc kháng sinh; hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc kháng sinh, giám sát về nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế; tăng cường năng lực giám sát của các bệnh viện; dữ liệu về kháng thuốc kháng sinh, nhiễm khuẩn khuẩn bệnh viện được thu thập định kỳ, tương đối đầy đủ. Chương trình quản lý sử dụng kháng sinh đã được một số bệnh viện triển khai hiệu quả… Tuy nhiên, để công tác phòng, chống kháng kháng sinh hiệu quả, rất cần sự chung tay của toàn cộng đồng, các ban, ngành hữu quan và của mỗi người dân.
Theo đó, để phòng ngừa kháng thuốc kháng sinh, ngoài sự quy chuẩn của y tế, ngay bản thân những người bệnh là những người quyết định đến vận mệnh chống nhiễm trùng của mình nhất. Vì vậy, không lạm dụng thuốc kháng sinh như một thuốc thông thường, không nên chỉ đau, ho là đã ngay lập tức sử dụng kháng sinh vì những triệu chứng trên chưa hẳn là biểu hiện của một bệnh nhiễm khuẩn.
Cần chấm dứt ngay việc sử dụng kháng sinh khi đã đủ liệu trình cho phép nhưng cũng không được kết thúc quá sớm trước thời gian tiêu chuẩn. Sử dụng quá lâu sẽ làm cho vi khuẩn có cơ hội “tìm hiểu” kháng sinh và đột biến mạnh hơn. Còn kết thúc quá sớm sẽ làm cho vi khuẩn có nguy cơ hồi sinh và do đó có “kinh nghiệm” chinh chiến nhiều hơn để thay đổi. Cả hai biểu hiện này cần tuyệt đối tránh khi có sử dụng kháng sinh trong điều trị.